Sự kiện hot
3 năm trước

Loạt dự án vướng mắc của các ‘ông lớn’ bất động sản tại TP.HCM

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã gửi kiến nghị đến UBND thành phố về các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Trong đó, phần lớn là các vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Ngày 27/2, lãnh đạo UBND TP HCM đã có buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn TP.HCM nhằm lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong môi trường đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã gửi văn bản kiến nghị về các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.

Điển hình là loạt dự án của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), đại diện Novaland cho biết, UBND TP.HCM và các sở, ngành đã quan tâm xem xét, giải quyết được 4 dự án trong tổng số 14 dự án có vướng mắc trước đây.

Hiện nay, chỉ còn 10 dự án đang được thành phố và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương xem xét giải quyết. Trong đó, còn dự án Khu chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1, đã được UBND TP.HCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng.

Tiếp đó là dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4 đã được UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) duyệt giá tiền sử dụng đất của dự án.

Đáng chú ý, dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh, quận 2, các Bộ ngành Trung ương đang rà soát lại các thủ tục pháp lý dự án chung với dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời, các sở, ngành tại TP.HCM vẫn đã và đang rất nỗ lực tìm kiếm, đề xuất các giải pháp báo cáo Bộ ngành Trung ương, Chính phủ để sớm có hướng xử lý theo các quy định pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, còn có 7 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận cũng đang được Sở TN&MT và các sở, ngành tích cực xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Qua đó, Novaland đề nghị Chính phủ, UBND TP.HCM và các sở, ban, ngành sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp, sớm đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại, cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án, nhằm giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; qua đó nâng cao đời sống và an sinh xã hội, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

ds

Khu đất Phước Kiển hơn 32 ha được Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Quốc Cường Gia Lai tọa lạc tại ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Đối với Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, hiện còn 2 dự án nhà ở xã hội đang bị vướng mắc mấy năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể:

Dự án nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc (dự án đã triển khai), đang vướng hàng loạt khó khăn, vướng mắc về: Quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vay vốn ưu đãi; thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng; chính sách thuế.

Đơn cử như trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án trên được chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2014 và được cấp phép, khởi công xây dựng công trình từ năm 2017.

Thế nhưng do chưa được UBND TP.HCM ban hành quyết định miễn tiền sử dụng đất nên 19 căn nhà phố của dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng.

Thứ hai là dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, theo quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2020 thì khu đất này ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội, nhưng Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin Quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 3/2019 đến nay đã gần 2 năm nhưng vẫn chưa có “Quyết định chủ trương đầu tư” do vướng các khâu về chỉ tiêu quy hoạch và ranh đất thực hiện dự án.

Đối với dự án Khu đô thị mới Vạn Phúc có diện tích 198 ha tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức của Công ty CP Xây dựng Kinh doanh Nhà Đại Phúc, đơn vị này cho biết, theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án, có các khu đất dành cho các công trình giáo dục, y tế và phải dành 20% diện tích đất dự án đã xây dựng hạ tầng để phát triển nhà ở xã hội trong dự án. Qua đó, công ty đề xuất được đầu tư công trình giáo dục, y tế trong dự án và hoán đổi vị trí để thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội.

Hay Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cũng có 6 dự án đang bị ách tắc trong thời gian qua, gây thiệt hại rất lớn cho công ty và cán bộ công nhân viên.

Trong đó, quan trọng nhất là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Do dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó, có đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng đất, nên công ty phải quay về Sở Kế hoạch Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu…

“Công ty mất hơn 3 năm cũng chưa làm xong thủ tục. Bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh… Tất cả ách tắc này chỉ vì sự bất cập của các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, mà lỗi này hoàn toàn không phải do công ty gây ra”, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cho hay.

Qua đó, công ty đề nghị các sở, ngành của thành phố quan tâm, sớm giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng cho dự án dự án Phước Kiển và 5 dự án còn lại.

Bên cạnh đó, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cũng đề xuất UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan hướng dẫn trình tự thủ tục để công ty và UBND quận 5 hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án Khu liên hợp Nhà ở - Văn phòng - Thương mại Tản Đà - Hàm Tử, phường 10, quận 5.

Công ty CP Xây dựng Địa ốc Xanh (trước là Công ty TNHH Thành Thủy) là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Sài Gòn Xanh, có diện tích 3.664 m2 tại phường 16, quận 8. Công ty đã có Văn bản số 1802/CV-2019 ngày 18/2/2019 kiến nghị được sớm đóng tiền sử dụng đất bổ sung đối với phần đất 1.611 m2 của dự án

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản khác trên địa bàn TP.HCM cũng có dự án gặp khó khăn, vướng mắc như: Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát (dự án Khu căn hộ tại phường Bình Thuận, quận 7); Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (dự án chung cư An Bình phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú); Công ty CP Thế Kỷ 21 (dự án Khu dân cư Phước Long B Thế Kỷ 21, phường Phước Long B, quận 9)…

Lý Tuấn
Theo Nhà đầu tư 

Từ khóa: