Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) báo lãi bán niên hơn 12 nghìn tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Bình Sơn đạt 87.174 tỷ đồng, tăng 78% so với bán niên năm 2021. Lãi ròng đạt 12.250 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ.

Theo BCTC quý 2/2202, CTCP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) ghi nhận doanh thu 52.391 tỷ đồng, tăng 88% so cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng thấp hơn so doanh thu nên lãi gộp gấp 5,7 lần cùng kỳ lên 10.685 tỷ, theo đó biên lãi gộp cải thiện từ 6,7% lên 20,4%.

Kết quả, Bình Sơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 9.909 tỷ đồng, gấp 5,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi kỷ lục trong lịch sử hoạt động của đơn vị này.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 9.926 tỷ đồng, gấp 5,8 lần cùng kỳ. Nếu so với con số trong cả năm 2021 thì số lãi trong quý 2 gấp đến 1,5 lần. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Bình Sơn đạt 87.174 tỷ đồng, tăng 78% so với bán niên năm 2021. Lãi ròng đạt 12.250 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ.

Năm nay, cổ đông thông qua kế hoạch với tổng doanh thu hợp nhất 91.678 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.295 tỷ đồng; lần lượt giảm 10% và 81% so với thực hiện 2021. Như vậy, sau 6 tháng, lợi nhuận gấp 9,4 lần kế hoạch năm

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Bình Sơn đạt 79.750 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Trong đó, các khoản tiền và tương đương tiền đạt 18.445 tỷ đồng, tăng 13%, hàng tồn kho là 13.109 tỷ đồng, tăng 26,5%. Nợ vay tài chính công ty ở mức 4.625 tỷ đồng giảm 57% so với đầu năm và toàn bộ là nợ ngắn hạn.

Trước đó, Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 10 – Cơ hội phục hồi và ẩn số vàng đen, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) kỳ vọng năm nay là đỉnh mới lợi nhuận của BSR từ trước đến nay.

Ông Bùi Ngọc Dương cho biết, diễn biến thị trường tương đối thuận lợi trong 6 tháng đầu năm, giá dầu tăng cao so với dự báo, chênh lệch giá giữa sản phẩm và dầu thô được các tổ chức ấn định cao.

Yếu tố tác động lớn đến giá dầu là căng thẳng địa chính trị xung đột Nga – Ukraine, châu Phi…; năng lực khai thác của các tổ chức như OPEC+ không như kỳ vọng; thị trường phục hồi sau dịch bệnh khiến nhu cầu xăng dầu tăng trở lại. Tất cả yếu tố đó dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, cạnh tranh mua trên thế giới và giá dầu được dự báo duy trì ở mức cao trên 105 USD/thùng năm nay.

Theo đó, ông Dương tiết lộ kết quả kinh doanh nửa đầu năm của BSR tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước và đạt đỉnh.

Theo công bố trước đó, 5 tháng đầu năm, doanh thu trên 65.840 tỷ đồng, thực hiện 72% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.764 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch được giao (1.295 tỷ đồng). Xét riêng tháng 4 và 5, công ty lọc dầu đạt 31.057 tỷ đồng doanh thu và 4.452 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xa con số ghi nhận trong quý II/2021 (lần lượt 27.860 tỷ và 1.696 tỷ đồng).

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của BSR là dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Doanh nghiệp có 2 nhiệm vụ gồm đảm bảo an toàn vận hành nhà máy và đảm bảo an ninh năng lượng nên phải duy trì công suất hoạt động. Công ty phải đặt hàng dầu thô nguyên liệu ít nhất trước 2 tháng cho kế hoạch sản xuất. Do vậy, khi giá dầu tăng, giá dầu thành phẩm sẽ tăng hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận. Khi giá giảm, doanh nghiệp gặp rủi ro giảm giá hàng tồn kho và phải dự phòng làm giảm lợi nhuận. Do vậy, doanh nghiệp phải kiểm soát hàng tồn kho rất “khéo”, đưa ra nhiều kế hoạch mua hàng khác nhau để đảm bảo tối ưu.

“Chúng tôi đối mặt với nguy cơ giảm lợi nhuận rất nhanh nếu giá dầu giảm quá nhanh như giai đoạn trước. Do vậy, BSR phải đưa ra nhiều kịch bản thận trọng cho dù các dự báo về giá dầu cho đến nay vẫn tốt. Tôi kỳ vọng năm nay là đỉnh mới lợi nhuận của Lọc dầu Bình Sơn từ trước đến nay”, ông Dương nói.

Kể từ khi công bố BCTC từ 2016, đỉnh lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp là 8.110 tỷ đồng và sau thuế là 7.673 tỷ đồng.

CEO BSR cũng chia sẻ bên cạnh kế hoạch mở rộng nhà máy thì doanh nghiệp có chiến lược phát triển nhiều chuỗi chế biến sâu sau lọc dầu cho tương lai nên nhu cầu vốn rất lớn. Thị trường lọc hóa dầu Việt Nam với dân số 100 triệu dân được cho là rất lớn và tiềm năng, chưa kể khả năng mở rộng ra khu vực Đông Nam Á. Do vậy, ban lãnh đạo cũng kiến nghị với cổ đông lớn được giữ lại lợi nhuận để đầu tư và cân đối một phần chia cổ tức cho phù hợp.

Năm 2022, công ty lên kế hoạch tổng sản lượng sản xuất và tiêu thụ gần 6.499.087 tấn sản phẩm các loại. Dựa trên giá dầu là 60 USD/thùng, tổng doanh thu công ty mẹ dự kiến 91.411 tỷ đồng và lãi công ty mẹ sau thuế 1.400 tỷ đồng, lần lượt bằng 89,5% và 20,6% so với năm 2021.

Lan Anh
Theo KTDU

Từ khóa: