Dịch vụ ngân hàng hiện được coi là thị trường có cạnh tranh gay gắt bởi số lượng các ngân hàng nhiều, phân khúc thị trường, mục tiêu phát triển của các ngân hàng cũng giống nhau. Theo logic thông thường khách hàng như vậy chắc chắn sẽ nhận được dịch vụ rất tốt, cạnh tranh, nhưng có lẽ không phải vậy.
Dịch vụ ngân hàng hiện được coi là thị trường có cạnh tranh gay gắt bởi số lượng các ngân hàng nhiều, phân khúc thị trường, mục tiêu phát triển của các ngân hàng cũng giống nhau. Theo logic thông thường khách hàng như vậy chắc chắn sẽ nhận được dịch vụ rất tốt, cạnh tranh, nhưng có lẽ không phải vậy.
Câu chuyện đi vay vốn: Muôn thuở khó khăn
Tại hội nghị đối thoại giữa các ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vừa qua có doanh nghiệp đã chia sẻ câu chuyện đi vay vốn đầy vất vả của mình. Chị Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc công ty chuyên cung cấp máy móc xây dựng cho biết suốt 1 tháng qua kế toán trưởng của công ty đã chạy đi chạy lại để đáp ứng yêu cầu của hồ sơ vay vốn.
“Công ty chúng tôi hiện đang vay vốn tại 3 ngân hàng và trong suốt thời gian vay chưa một lần trễ hẹn trả nợ dù chỉ 1 ngày. Thế nhưng khi muốn nhập lô máy giá rẻ, làm hợp đồng vay vốn của Vietinbank chi nhánh Hà Nội thì mãi không nhận được câu trả lời” – chị Hà nói.
Cứ vài ngày, vị nữ tổng giám đốc lại hỏi nhân viên bao giờ tiền về để đàm phán ký hợp đồng thì lại nhận được câu trả lời: Chị ơi, em đang phải bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của ngân hàng.
Điều chị Hà cảm thấy nản lòng là nếu doanh nghiệp của mình là có tiền lệ chây ỳ trả nợ thì ngân hàng chắc sẽ phải thẩm định, yêu cầu gắt gao mới cho vay, nhưng suốt thời gian qua công ty chị luôn đúng hẹ trả nợ.
“Lòng tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã xuống rất thấp. Đây là điều rất nguy hại”- chị Hà bộc bạch.
Hơn nữa việc ngân hàng lần khần không trả lời rõ ràng khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh “đi mắc núi trở lại mắc sông” không biết xử lý thế nào, trong khi cơ hội kinh doanh thì cứ qua đi.
Lời khuyên và yêu cầu của Thống đốc
“Theo tôi chị nên bỏ ông ngân hàng đó đi và chuyển sang ngân hàng khác. Các ngân hàng hiện đang phải cạnh tranh nhau rất ác, và nếu doanh nghiệp chị đúng như gì chị đã nói thì là doanh nghiệp hạng A rồi. Thời điểm hiện tại các ngân hàng đang đỏ mắt đi tìm doanh nghiệp như vậy”- Thống đốc Nguyễn Văn Bình gợi ý cho chị Hà.
Cùng với lời khuyên cho doanh nghiệp, ngay tại hội nghị Thống đốc yêu cầu đại diện Vietinbank, trực tiếp là chi nhánh Hà Nội phải có câu trả lời rõ ràng với doanh nghiệp, có cho vay hay không. Thời hạn ông đặt ra cho ngân hàng là 2 ngày.
Lúc đó, đại diện cho Vietinbank Chi nhánh Hà Nội thậm chí còn hứa với Thống đốc rằng ngay chiều hôm đó sẽ có câu trả lời chính thức với trường hợp doanh nghiệp của chị Hà.
1 tháng và 1 ngày
Bỏ qua một bên chuyện chị Hà có vay được vốn hay không? Vì lý do gì? Có thể thấy chỉ sau một lời nói của vị tư lệnh ngành ngân hàng câu chuyện của 1 tháng rút xuống chỉ còn 1 ngày cho thấy nhiều điều.
Trước hết từ phía Vietinbank là ngân hàng hàng đầu của Việt Nam với đối tượng phục vụ lên đến hàng chục ngàn doanh nghiệp. Nếu như chỉ 5-10% số lượng doanh nghiệp chịu cảnh chạy đi chạy lại 1 tháng mà không biết có được vay hay không thì có thể thấy hoạt động sản xuất kinh doanh đã kém hiệu quả thế nào.
Dù cho sau chỉ đạo của Thống đốc việc xét duyệt hồ sơ của doanh nghiệp được thực hiện nhanh “kinh ngạc” thì nó cũng cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỷ luật của hệ thống ngân hàng nhất là trong hoạt động nghiệp vụ của mình.
Một việc rất nhỏ của doanh nghiệp bình thường nhưng chỉ được giải quyết nhanh khi Thống đốc ngân hang Trung ương yêu cầu.
Có vẻ các ngân hàng vẫn còn tâm lý doanh nghiệp đến để vay tiền của mình, và doanh nghiệp cần mình chứ không hiểu đó là khách hàng, những người đem lại doanh thu lợi nhuận cho ngân hàng, những người chi trả tiền lương cho cán bộ ngành ngân hàng.
Đó là thực tế đáng buồn
Thay cho lời kết là lời phát biểu của Phó chủ tịch Thành phố Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng: “Tôi mong các vị lãnh đạo ngân hàng chỉ đạo cán bộ cấp dưới làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa và đừng vô cảm với doanh nghiệp”.
Theo TTVN