Trong trại giam, sự ám ảnh về tội lỗi, nỗi nhớ con da diết, cồn cào khiến các phạm nhân rơi vào trạng thái tâm lý nặng nề. Họ hối hận bởi vì đồng tiền đã gây ra tội lỗi tước đoạt mạng sống của người khác.
Trong trại giam, sự ám ảnh về tội lỗi, nỗi nhớ con da diết, cồn cào khiến các phạm nhân rơi vào trạng thái tâm lý nặng nề. Họ hối hận bởi vì đồng tiền đã gây ra tội lỗi tước đoạt mạng sống của người khác.
Thôn nữ hại chồng bằng nước lá ngón
TAND tỉnh Lai Châu mới xét xử Sơ thẩm hai bị cáo Giàng Thi Cay (50 tuổi) và Thào Thị Chía (17 tuổi, đều ở bản Nậm Tần Mông 2, xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) về tội “Giết người”.
Theo hồ sơ vụ án: Tháng 4/2011, Chía và Cay cùng nhau lên rừng đào củ riềng về bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Qua câu chuyện giữa hai người, Cay chia sẻ với Chía cảnh phải làm việc quần quật suốt ngày mà không đủ sống, thậm chí không có tiền may nổi bộ quần áo mới. Từ đây, Cay đặt vấn đề giúp Chía đi lấy chồng bên Trung Quốc để có cuộc sống sung sướng hơn.
Thấy người chị cùng bản nói đúng nỗi lòng của mình, Chía không mảy may suy nghĩ mà gật đầu đồng ý. Từ hôm đó, Chía háo hức chờ ngày được đi lấy chồng ở xứ người.
Một thời gian sau, Cay và Chía lại cùng nhau đi đào hà thủ ô để bán. Sau khi củng cố quyết tâm xuất ngoại lấy chồng cho Chía, Cay bày cho Chía cách ra đi êm đẹp là phải... giết chồng cũ, nếu không chồng cũ sẽ đi tìm và bắt về. Chía đã đồng ý ngay và còn hỏi rằng làm thế nào để có thể giết chồng mà không để ai phát hiện. Cay bảo có một cách đảm bảo kín kẽ, đó là Chía lấy rễ lá ngón đun nước cho chồng uống.
Sáng sớm 19/4/2011, gia đình chồng Chía đi làm hết, Chía liền ra sau trường học nhổ hai cây lá ngón về, lấy rễ cây cho vào nồi đun, sau đó đổ nước cây vào một bát cất lên trên chạn bát, còn rễ cây lá ngón được Chía mang vứt ra sau nhà phi tang.
Páo đi làm về, tu một hơi hết sạch cả bát rồi ra bàn ngồi. Chía nhìn chồng uống xong bát nước thì đi đem quần áo ra đầu bản để giặt. Vừa giặt được một lát thì Páo ra gọi Chía về nhà có việc. Khi Páo vừa quay về thì có biểu hiện trúng độc. Chía sợ quá liền gọi mọi người đưa chồng đi cấp cứu nhưng Páo đã không qua khỏi.
Quá ân hận vì hành vi bồng bột của mình, Chía đã đến cơ quan công an xã Pa Tần đầu thú. Chía cũng khai nhận toàn bộ câu chuyện mà Cay bày cho mình và bảo dự định tối cùng ngày sau khi gây án, Chía và Cay sẽ vượt biên sang Trung Quốc lấy chồng để có cuộc sống giàu sang như Cay đã từng hứa hẹn.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Giàng Thị Cay 13 năm tù, phạt Thào Thị Chía 8 năm tù. Hai bị cáo còn phải chịu trách nhiệm bồi thường 20 triệu đồng cho gia đình bị hại.
Ghen tuông mù quáng thôn nữ sát hại hai con
Sinh năm 1980, ở miền quê lúa Thái Bình nhưng trông Xuyến trắng trẻo, mảnh mai y hệt một tiểu thư chốn thị thành. Năm 1998, Xuyến lên xe hoa về làm dâu nhà anh Chí trong một đám cưới đầm ấm và hạnh phúc.
Trần Thị Xuyến
Từ ngày có con, gánh nặng kinh tế trở thành áp lực lớn với vợ chồng Xuyến. Để có tiền trang trải gia đình, chồng Xuyến theo bạn bè ra Hà Nội làm nghề xây dựng.Từ đó, Xuyến bắt đầu hoài nghi chuyện anh Chí có quan hệ ngoài luồng với người xưa.
Giữa tháng 4/2009, con ốm, Xuyến gọi điện báo cho chồng nhưng anh Chí bận việc không về nên Xuyến phải một mình bế con lên Hà Nội chữa bệnh. Gặp chồng, thấy thái độ chồng lạnh nhạt nên Xuyến càng sinh nghi và một mực bắt chồng về quê.
Sự ghen tuông của Xuyến càng tăng thêm khi chưa nghỉ hết một tuần, anh Chí đã muốn lên Hà Nội làm tiếp công trình dang dở. Đến chiều 2/5/2009, anh Chí khăn gói định lên đường thì hai người xảy ra “khẩu chiến”. Tức tối sự ích kỷ và ghen tuông vô lối của vợ, Chí đã lỡ tay tát Xuyến một cái, đập vỡ cánh tủ rồi đùng đùng bỏ đi...
Chồng dứt áo đi rồi, còn lại một mình Xuyến với cõi lòng đau khổ, tan nát. Xuyến muốn chết để anh Chí tỉnh ra mà quay lại với gia đình. Nhưng Xuyến lại nghĩ: Nếu mình chết thì ai nuôi các con đây, rồi anh Chí sẽ lấy vợ khác, các con phải sống với mẹ ghẻ sẽ khổ lắm... Chi bằng cả ba mẹ con cùng chết để được bên nhau.
Trong ý nghĩ tăm tối đó, đến ngày 3/5/2009, Xuyến đã đưa hai con ra giữa cầu Bổng, thuộc địa bàn xã Hòa Bình, huyện Đông Hưng, nơi dòng sông Tiên Hưng chảy xiết rồi ném cháu Chiến xuống trước, sau đó Xuyến ôm cháu Minh nhảy xuống sau. Nhưng đau đớn thay, Xuyến đã được cứu sống, chỉ hai bé trai vô tội đã bị dòng nước cuốn trôi.
Với tội ác trên, Trần Thị Xuyến đã bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt mức án 20 năm tù về tội Giết người cho dù Xuyến đập đầu xin được nhận mức án tử hình.
Hành trình tội ác của thôn nữ lụy tình
Vừa thôi học THPT, Nguyễn Thị Giang (SN 1988, quê xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đã lên xe hoa với chàng trai học cùng trường là Đào Ngọc Dần (SN 1986, ở xã Nghĩa Trụ, Văn Lâm, Hưng Yên).
Hương lửa mặn nồng chẳng được bao lâu thì cặp vợ chồng "tuổi teen" đã nhanh chóng phát sinh mâu thuẫn. Giang bỏ về nhà bố mẹ đẻ, bắt đầu cuộc sống ly thân. Sau khi xuất khẩu lao động sang Đài Loan không thành Giang xuống Hà Nội làm nghề cắt tóc, gội đầu.
Vốn thông minh, nhanh nhẹn, Giang nhanh chóng có nghề trong tay và mở một tiệm cắt tóc nhỏ tại khu vực gần cầu Thăng Long. Tại đây, Giang tình cờ quen rồi tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho một người đàn ông Trung Quốc. Sau đó cô nhận lời sang Trung Quốc chơi với bạn tình.
Vợ chồng Dần Giang tại Tòa
Sau một tháng chu du cùng tình nhân bên Trung Quốc, Giang về nước. Trên đường về, Giang làm quen với một cô gái Trung Quốc là Fu Hua (SN 1982, quê Quảng Đông, Trung Quốc) sang du lịch Việt Nam. Lợi dụng thời cơ Giang tình nguyện làm "hướng dẫn viên" du lịch cho cô gái đi thăm các danh lam thắng cảnh tại Hà Nội.
Trên đường cùng Fu Hua về Hà Nội, Giang nhận được điện thoại của Dần gọi điện giục về quê chơi. Nghe Giang bảo cô đang ở Hà Nội làm hướng dẫn viên du lịch cho nhóm bạn Trung Quốc, Dần bảo Giang cứ rủ luôn bọn họ về nhà chơi cũng được. Dần bàn với Giang kế hoạch sẽ “đổi đời” bằng cách cướp tài sản của mấy người khách du lịch và cô thôn nữ đã dại dột, mê muội nghe theo lời chồng.
Để điều “con mồi” đến nơi thuận lợi cho dễ dàng thực hiện hành vi cướp tài sản, Dần đã bịa ra rằng “mua sim điện thoại phải về nhà lấy chứng minh nhân dân”. Cặp vợ chồng chở Fu Hua ra khu vực cánh đồng vắng thuộc thôn Đồng Mịch (xã Nghĩa Trụ, Văn Lâm) và ra tay sát hại cô gái trẻ, cướp tài sản. Dần ở lại giấu xác nạn nhân phi tang, còn Giang quay về nhà nghỉ lấy đồ để cùng Dần đào tẩu.
Sáng hôm sau, Giang định bỏ chốn thì bị công an huyện Mỹ Hào bắt. Thời gian bị tạm giam, ám ảnh tội lỗi và nỗi sợ hãi sự trừng trị của pháp luật và dư luận khiến Giang đã hai lần tự tử nhưng không thành. Tại phiên tòa, Đào Ngọc Dần bị kết án Tử hình về tội Giết người, Cướp tài sản. Nguyễn Thị Giang phải nhận án 25 năm tù và chuyển về cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh, Hải Dương).
Ám ảnh tội lỗi
Các vụ án liên quan đến thôn nữ ở vùng sâu, vùng xa đang ngày càng phức tạp. Chính vì thế, công tác phòng chống tội phạm cũng như phổ biến kiến thức pháp luật đến đồng bào vùng sâu, vùng xa là những nhiệm vụ cần được ưu tiên.
Dương Tử
Theo PLVN