Khách du lịch Trung Quốc đến châu Âu mua túi hàng hiệu quá nhiều đến mức thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton quyết định tăng giá để giảm bớt sự chênh lệch giá cả giữa các thị trường, cho dù sức mua của thị trường châu Âu đang hết sức ảm đạm.
Khách du lịch Trung Quốc đến châu Âu mua túi hàng hiệu quá nhiều đến mức thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton quyết định tăng giá để giảm bớt sự chênh lệch giá cả giữa các thị trường, cho dù sức mua của thị trường châu Âu đang hết sức ảm đạm.
Tập đoàn LVMH và nhiều hãng sản xuất đồ xa xỉ khác đang tăng giá bán sản phẩm của mình tại thị trường châu Âu để làm giảm bớt sức ép cho thị trường nội địa Trung Quốc cũng như tăng như lợi nhuận của những thị trường ngoài châu Âu.
Người Trung Quốc chen chúc mua sắm trong một cửa hàng Louis Vuitton, cảnh tượng như trong ngày giảm giá của Walmart ở Mỹ
Trên thực tế, nhu cầu về sản phẩm của LVMH vẫn tăng, bất chấp cuộc khủng hoảng ở châu Âu và sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc. LVMH và các đối thủ cạnh tranh dự định tăng 3% giá ở các thị trường ngoài Trung Quốc, để bù đắp việc 15% khách hàng Trung Quốc mua sản phẩm ở các thị trường nước ngoài.
Hiện nay, giá một chiếc túi tầm trung mang thương hiệu Louis Vuitton vào khoảng gần 3.000 USD, vượt ra ngoài tầm với của hầu hết người dân châu Âu vốn đang điêu đứng vì tình trạng thất nghiệp và thu nhập suy giảm.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc ước tính sẽ chiếm một phần ba sự tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ trong năm nay. Tuy nhiên, mức thuế đánh vào hàng xa xỉ tới 40% ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với 25% ở châu Âu. Chính vì thế, khách du lịch, chủ yếu đến từ châu Á, thường tranh thủ mua hàng xa xỉ ở châu Âu thay vì mua ở thị trường nội địa. Theo chuyên gia Antoine Belge của HSBC, 35 đến 65% doanh số mặt hàng này ở châu Âu là từ khách hàng châu Á.
Doanh số đồ da và thời trang cao cấp của LVMH tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quý 1 chỉ tăng 10%, giảm so với mức 18% cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thậm chí còn thấp hơn ở thị trường Trung Quốc, nơi giá cả cao hơn 30% so với các thị trường khác ở châu Á. Điều này trái ngược với mức tăng doanh số trên hai con số ở tầng lớp người tiêu dùng châu Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc trên toàn cầu.
Công ty Burberry Group Plc, nhà sản xuất đồ xa xỉ lớn nhất nước Anh, cũng thông báo kết quả kinh doanh tương tự LVMH khi tốc độ tăng doanh thu ở Trung Quốc quý 1 là 20% so với mức 30% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu tại thị trường châu Âu tăng nhẹ. Stacey Cartwright, giám đốc tài chính của Burberry cho biết xu hướng đi du lịch kết hợp mua sắm hàng xa xỉ đang rất phổ biến ở châu Á.
Trong tháng 3, mức chi tiêu được miễn thuế của người Trung Quốc trên thế giới đã tăng tới 79% so với cùng kỳ năm trước. Theo chuyên gia về mua sắm du lịch Global Blue, đây là mức tăng mạnh nhất so với tất cả các nước và chiếm 21% tổng chi tiêu miễn thuế trên toàn cầu. Đa phần khách du lịch mua sắm đồng hồ, nữ trang và đồ thời trang ở châu Âu
Giá hàng hiệu ở châu Âu thấp cũng chính là lý do khiến nhiều người Trung Quốc thích đi du lịch và mua sắm ở đây. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là họ tiết kiệm. Trung bình mỗi du khách Trung Quốc tiêu 11.000 euro trong mỗi chuyến đi châu Âu, Hồng Kong hay Singapore. Đồng euro giảm mạnh trong khi đồng nhân dân tệ có xu hướng tăng giá càng góp phần làm tăng xu hướng này. Trong năm qua, đồng euro đã giảm 11% so với đồng USD và 13% so với đồng nhân dân tệ.
Trước xu thế này, đầu năm nay Louis Vuitton đã tăng giá khoảng 3% tại thị trường châu Âu, tuy nhiên chưa quyết định thời điểm tăng giá tiếp theo.
LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton), là một tập đoàn của Pháp đứng số một thế giới trong lĩnh vực sản xuất đồ xa xỉ. Tập đoàn này hiện sở hữu hơn 60 nhãn hiệu nổi tiếng, trong đó có những mạc từ trên một trăm năm như Château d"Yquem (1593), Moët & Chandon (1743), Hennessy (1765), Louis Vuitton (1853)... Hiện LVMH sở hữu rất nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Louis Vuitton, Givenchy, Marc Jacobs, Kenzo, Emilio Pucci, Céline, Christian Dior, Guerlain, TAG Heuer, De Beers LV...
Hoàng Yến
Theo VnMedia