Sự kiện hot
2 năm trước

LPB: Chiến lược phát triển mạng lưới online và offine hỗ trợ tăng trưởng

Theo PHS, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) trong nửa đầu năm 2022 tăng trưởng 77% so với cùng kỳ năm trước và đạt 2,855 tỷ đồng. NIM của LPB cải thiện 46 bps so với cuối năm 2021 lên 4.03%, thuộc top 9 ngân hàng có NIM cao nhất toàn ngành nhờ giảm áp lực chi phí huy động vốn. Tín dụng của LPB tăng trưởng 8.6% YTD, cải thiện mạnh mẽ so với mức giảm 0.6% vào cuối quý 1/2022 nhờ mảng cho vay bán lẻ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB), Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, thu nhập ngoài lãi của ngân hàng tăng trưởng ấn tượng 104% so với cùng kỳ năm trước lên 1,113 tỷ đồng nhờ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và bancassurance. Tỷ lệ nợ xấu của LPB đạt 1.4% vào cuối nửa đầu năm 2022, tăng 7 bps so với cuối năm 2021, thấp hơn mức trung bình ngành là 1.5%.

Báo cáo phân tích cũng cho biết, năm 2021, tăng trưởng tín dụng của LPB đạt 18.1%, thuộc top 8 những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất, được hỗ trợ bởi lợi thế mạng lưới rộng khắp các huyện trên cả nước để triển khai tín dụng bán lẻ và tập trung vào phân khúc khách hàng nhỏ lẻ theo định hướng của ngân hàng. Đến cuối năm 2021, LPB có 480 điểm giao dịch, là một trong số những ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam.

Bên cạnh việc thực hiện chiến lược nâng cấp các điểm giao dịch bưu điện (PTO) thành phòng giao dịch ngân hàng (BTO) để người dân ở vùng nông thôn có thể tiếp cận được với dịch vụ tài chính, LPB cũng chú trọng phát triển ngân hàng số - LienViet24h với tầm nhìn lợi thế mạng lưới trở thành dòng chảy thúc đẩy phát triển ngân hàng số. Ban lãnh đạo tin rằng đầu tư mạng lưới cả online và offline sẽ mang đến kết quả doanh thu cao trong tương lai.

Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết: “Chúng tôi tin rằng, với định hướng phát triển tín dụng bán lẻ tại các vùng nông thôn, Ngân hàng TMCP Liên Việt (LPB – sàn HOSE) sẽ là một trong những ngân hàng được SBV ưu tiên trong việc cấp room tín dụng. Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2022 của LPB là 18,9% so với đầu năm. Chúng tôi duy trì ước tính NIM của LPB đạt 3,58%, đi ngang so với năm 2021”.

Nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 và triển vọng lạc quan trong nửa cuối năm 2022, PHS điều chỉnh giảm dự phóng tỷ lệ nợ xấu của LPB trong báo cáo trước xuống còn 1,5%.

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, PHS xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu LPB là 22.300 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Rủi ro được PHS đưa ra bao gồm: Rủi ro lãi suất; Rủi ro nợ xấu; Rủi ro cạnh tranh; Hợp đồng bancassurance của Dai-chi Life kết thúc vào năm 2021, đặt ra thách thức cho LPB kiếm đối tác để thúc đẩy thu nhập phí vào năm 2022 trở đi.

Như Nguyệt

Theo KTĐU

Từ khóa: