Sự kiện hot
5 năm trước

Lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Yêu cầu cao về năng lực tài chính

Vẫn còn nhiều biến số rất khó đoán định đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) thuộc Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Rơi rụng nhiều

Cho đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án 2 (PMU2) là một trong những đơn vị trình báo cáo đánh giá kết quả sơ tuyển nhà đầu tư dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP sớm nhất tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư vào hôm qua, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc PMU2 cho biết, đã ký tờ trình gửi Bộ GTVT về việc thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần xây dựng cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn vào đầu tháng 8/2019.

Là một trong những phân đoạn được đánh giá là có lưu lượng phương tiện qua lại khá cao, Dự án thành phần cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 6.333 tỷ đồng, thu hút được 25 nhà đầu tư mua hồ sơ mời sơ tuyển, trong đó có 5 nhà đầu tư và liên danh nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển.

“Tổ chuyên gia đấu thầu của PMU2 đã tiến hành đánh giá công bằng, minh bạch hồ sơ dự sơ tuyển của các nhà đầu tư tham dự theo đúng trình tự và các tiêu chí quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển. Kết quả là chỉ có duy nhất một nhà đầu tư nước ngoài được chấm lọt qua vòng sơ tuyển”, ông Sơn cho biết.

Tình trạng các ứng viên rơi rụng qua các bước đánh giá nhà đầu tư diễn ra khá phổ biến tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai theo hình thức PPP. Tại Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm - Nha Trang do PMU đường Hồ Chí Minh làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng chỉ có 4 nhà đầu tư độc lập và liên danh nhà đầu tư lọt vào danh sách ngắn, trong khi có tới 8 đơn vị nộp hồ sơ dự sơ tuyển và 20 đơn vị mua hồ sơ mời sơ tuyển.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 15, Luật Đấu thầu và Điều 9, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, toàn bộ 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, giai đoạn sơ tuyển quốc tế sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm để lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư đủ điều kiện và có điểm đánh giá cao nhất vào đấu thầu. Trong giai đoạn đấu thầu, nhà đầu tư trúng thầu là nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật và tài chính tốt nhất.

“Khả năng rất cao là nhiều dự án sẽ không chọn đủ số lượng nhà đầu tư trong danh sách ngắn để nhận hồ sơ mời thầu”, một lãnh đạo Vụ PPP, Bộ GTVT cho biết.

Theo Bộ GTVT, các PMU đang tổ chức đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, dự kiến trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kết quả sơ tuyển trong tháng 9/2019. Sau khi có kết quả sơ tuyển, trường hợp chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển như trường hợp của Dự án thành phần cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, sẽ báo cáo Chính phủ xem xét quyết định; trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo yêu cầu của Quốc hội.

Được biết, có 3 nguyên tắc rất quan trọng được Bộ GTVT xác lập ngay trong các bộ hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, việc phát hành hồ sơ mời sơ tuyển không có nghĩa là Bộ GTVT bắt buộc phải lựa chọn và sơ tuyển các hồ sơ đáp ứng để mời vào giai đoạn đấu thầu. Tùy theo từng trường hợp, bên mời thầu có thể hủy sơ tuyển, mà không phải nêu bất kỳ lý do nào.

Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư dự sơ tuyển hay một nhà đầu tư đủ điều kiện qua sơ tuyển, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Chính phủ Việt Nam, bao gồm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không bảo lãnh việc triển khai đầu tư, vận hành dự án như bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá.

Cửa rất hẹp cho nhà đầu tư nội

Theo Bộ GTVT, các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư trong hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP được xác định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và Thông tư số 15/2016/TT-BGTVT. Trong đó, Bộ GTVT đã lựa chọn mức cận dưới tiêu chí về kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước có thể tham gia. Tuy nhiên, khả năng tham gia của nhà đầu tư trong nước vào 8 dự án này với tư cách nhà đầu tư độc lập hoặc đóng vai trò lớn trong liên danh với các nhà đầu tư nước ngoài là không cao.

Trong Công văn số 8237/BC - GTVT báo cáo tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ GTVT cho biết, với điều kiện các cơ chế chia sẻ rủi ro chưa được áp dụng, đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án hạ tầng giao thông vẫn có nhiều rủi ro, nên các doanh nghiệp có năng lực, thế mạnh về tài chính (Vingroup, Sun Group, FLC, Vạn Thịnh Phát...) không quan tâm.

“Trong khi đó, các doanh nghiệp quan tâm đến đường bộ cao tốc Bắc - Nam chủ yếu là các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thi công tốt, hoàn toàn có thể đáp ứng với tư cách nhà thầu. Tuy nhiên, năng lực tài chính không phải là thế mạnh của các doanh nghiệp này, nên khả năng thu xếp vốn tín dụng sẽ rất khó khăn”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Thời gian qua, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn. Nguồn cung tín dụng còn khó khăn hơn, khi theo quy định mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn giảm còn 40% từ ngày 1/1/2018 và có xu hướng giảm dần.

Thực tế, Bộ GTVT đã triển khai Dự án Đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chỉ tiêu tài chính rất khả thi, nhưng đến nay vẫn chưa huy động được nguồn tín dụng. Do vậy, dù nhà đầu tư có thời gian 6 tháng để thu xếp tín dụng, nhưng với tình hình thị trường tín dụng như trên, việc huy động tín dụng để triển khai dự án sẽ gặp khó khăn.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, các nhà đầu tư đang phải tự xoay xở và gặp khó khăn rất lớn khi huy động vốn đầu tư các dự án giao thông. “Ngân hàng tài trợ vốn bản chất cũng như một nhà đầu tư kinh doanh tiền tệ, mặc dù được hưởng lợi ích từ lãi suất cho vay, nhưng khi dự án gặp phải khó khăn, vướng mắc thì họ bàng quan, im lặng”, ông Hoàng nói và cho biết, ngân hàng chỉ quan tâm đến việc thu đủ, thu đúng và sẵn sàng phát ra thông điệp rủi ro là do Nhà nước và nhà đầu tư đã không thực hiện đúng theo cam kết..

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cũng cảnh báo, thời gian qua, có một số nhà đầu tư chấp nhận “góp danh” với nhà đầu tư nước ngoài, hy vọng có được việc làm trong trường hợp liên danh được chọn. Nhưng ngay cả khi có những quy định ràng buộc về tỷ lệ công việc được chia trong liên danh, nhà đầu tư nội thường phải đón nhận nhiều thua thiệt về tài chính và “gánh” rủi ro pháp lý trong mỗi đợt thanh tra, kiểm toán do cơ chế chính sách về quản lý đầu tư chưa hoàn thiện.

Trong khi đó, khả năng tham gia của các nhà đầu tư tại 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn đang là một ẩn số đối với chính cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thực tế triển khai một số dự án giai đoạn trước đây (như Tân Vạn - Nhơn Trạch, Phan Thiết - Dầu Giây...) và kết quả xúc tiến đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cho thấy, các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính nước ngoài đều yêu cầu một số cơ chế chia sẻ rủi ro như bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ và bảo bãnh bên thứ ba thực hiện các cam kết của Chính phủ...

Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay chưa cho phép Chính phủ thực hiện các cơ chế bảo lãnh này, nên các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài chưa quan tâm nhiều đến đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức PPP nói chung và Dự án cao tốc Bắc - Nam nói riêng. “Dù một số nhà đầu tư nước ngoài đã nộp hồ sơ sơ tuyển Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và có thể qua vòng sơ tuyển, nhưng chưa thể khẳng định họ sẽ tiếp tục tham gia bước đấu thầu nếu các cơ chế chia sẻ rủi ro không được áp dụng đối với Dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định.

Rào cản khó vượt qua trong huy động vốn

Ông Đặng Đại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, để sàng lọc các nhà đầu tư không có năng lực tài chính, hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đều yêu cầu nhà đầu tư phải có văn bản cam kết cung cấp tài chính của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng theo mẫu.

“Các dự án cao tốc Bắc - Nam có các xung đột với các dự án BOT trên Quốc lộ 1 đang khai thác hoàn vốn đã làm cho các ngân hàng không chấp nhận tài trợ vốn hoặc chỉ đồng ý tài trợ, nhưng kèm theo rất nhiều điều kiện khắt khe”, ông Đại cho biết.

Tổng thư ký VARSI cũng bày tỏ sự bi quan về việc ngay cả khi các nhà đầu tư trong nước chấp nhận liên danh với nhau để đáp ứng yêu cầu về năng lực kinh nghiệm và năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu phải đáp ứng 20% tổng mức đầu tư), thì dù có lọt qua vòng sơ tuyển, thậm chí là được chọn là nhà đầu tư, việc huy động vốn tín dụng vẫn là rào cản rất khó vượt qua.
 

Bảo Như
Theo Báo Đầu tư

Từ khóa: