Vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11, Thanh Sơn bước vào vụ thu hoạch gạo nếp Quạ Đen. Màu lúa chín vàng óng ánh, hương thơm nếp mới quyến rũ cùng tiếng cười nói của bà con tạo nên bức tranh vùng quê yên bình. Nếp Quạ Đen trên đà khẳng định vị trí của mình, đã và đang trở thành một đặc sản quý của quê hương miền núi Thanh Sơn.
Tìm hiểu về cái tên lúa nếp Quạ Đen
Xuất xứ của tên gọi Quạ đen được tương truyền rằng: Ngày xưa có một nàng công chúa xinh đẹp được nhà vua yêu quý nhưng nàng không bao giờ cười nói với bất cứ ai. Đến năm 18 tuổi nhà vua kén rể quý, ai làm cho nàng công chúa cười thì sẽ được làm phò mã. Nhiều thanh niên làm đủ mọi cách cũng không thể làm cho nàng cười. Bỗng một hôm nọ, chàng trai với nước da ngăm đen đưa đến một bông lúa vàng lấp lánh tựa như ánh sáng mặt trời. Vì trước giờ chưa nhìn thấy bông lúa nào đẹp đến thế, công chúa liền buột miệng hỏi thăm. Chàng nông dân giới thiếu về giống lúa khác lạ kia, nó có tên là Quà Quà, được con chim quạ thả trước sân nhà vào buổi sáng sớm. Nghe xong câu chuyện nàng mỉm cười bảo chàng trai gieo trồng giống lúa quý này, đến khi thu hoạch đem dâng, nếu ngon nàng sẽ lấy làm chồng...
Truyền thuyết đó được bà con vùng Thanh Sơn - Phú Thọ truyền tai nhau nhưng có một thời gian rất dài câu chuyện đó bị lãng quên bởi giống gạo nếp ấy không còn nhiều ở Thanh Sơn. May thay, nhờ công sức phục tráng, bảo tồn đặc sản địa phương của huyện, bây giờ người dân Thanh Sơn có thể tự hào kể lại điển tích đó như một lời giới thiệu về giống gạo nếp đặc sản.
Tự nhận mình là một kẻ “hấp” khi chỉ thích nghiên cứu những đặc sản trước bờ vực tuyệt chủng, anh Vũ Văn Hoan - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Sơn kể, năm 2004 khi anh đang là Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Thanh Sơn đã xin Sở Khoa học và Công nghệ “Đề tài phục tráng, bảo tồn tập đoàn giống lúa nếp địa phương trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ”.
“Tôi thấy không ai để ý các giống đặc sản địa phương, điều đó rất lãng phí nguồn tài nguyên mà nơi khác muốn cũng chẳng có. Trước đó, khi tìm hiểu về giống lúa nếp Quạ Đen này, nhiều nngười già trong vùng bày tỏ tiếc nuối khi giống lúa ấy mất đi. May là trước đó tôi có đem ít giống Quạ đen đưa cho ông cậu ở xã Lương Nha trồng, nếu không cũng mất, thế là đề xuất luôn với UBND huyện cho khôi phục, làm mô hình”.
Gần 40 năm nếp Quạ đen tuyệt chủng trong cộng đồng người Mường ở huyện Thanh Sơn, giờ đây được khôi phục, những ký ức xưa tưởng chừng như đã mất lại hiện về. Giống chỉ hợp trồng ở vụ mùa, có thời gian sinh trưởng 142 ngày, cây cao gần ngang đầu người, năng suất đạt 160 kg/sào, chất lượng hơn hẳn các loại nếp thông thường. Về huyện Thanh Sơn vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11/2021, nhất là vào giai đoạn lúa nếp quạ đen trĩu hạt, ta còn được chứng kiến nhiều đoàn người đến tham quan, chụp ảnh bên giống lúa đặc sản quý hiếm. Không những thế, người người còn may mắn được thưởng thức món đặc sản xôi nếp quạ đen, bánh chưng, cơm cháy và rượu nếp quạ đen với hương thơm quyến rũ.
Nhân rộng mô hình đặc sản lúa nếp Quạ Đen
Từ khi giống lúa nếp Quạ Đen được đưa vào sản xuất trên cánh đồng xã Thắng Sơn đã đem lại hiệu quả rõ rệt, vụ mùa năm 2021 năng suất lúa nếp quạ đen cao gấp đôi so với năm 2020 (từ 80kg/sào/ 2020 tăng lên 150kg/sào/2021). Chi phí đầu tư sản xuất cho 1 sào lúa nếp quạ đen hết khoảng 1,52 triệu đồng/sào, lợi nhuận thu được khoảng 1,67 triệu đồng/sào. Về chế biến, lúa nếp Quạ Đen sau thu hoạch về, phơi khô quạt sạch, được chế biến thành gạo và làm bánh chưng, nấu xôi, nấu cơm cháy, nấu rượu.
Theo tính toán, khi sử dụng loại gạo nếp này gói bánh chưng cho thấy, cứ 100kg gạo gói được 300 chiếc bánh, trừ chi phí phụ phẩm, công sức, lãi thu về 2,9 triệu đồng, nếu bán gạo chỉ thu được 5,0 triệu đồng, như vậy làm bánh chưng cho thu nhập tăng khoảng 17%. Nấu xôi từ gạo nếp quạ đen, lợi nhuận thu được cũng tăng 20,96% so với bán gạo. Hiệu quả dùng nếp quạ đen nấu rượu thu nhập tăng 16,7% so với bán gạo thông thường, lại tận dụng được cả các loại gạo xấu. Còn khi dùng nếp quạ đen nấu cơm cháy lợi nhuận thu được tăng 12,6% so với bán gạo thông thường. Thực tế đó đã khẳng định, nếp Quạ Đen phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cho năng suất cao, các sản phẩm chế biến từ gạo nếp quạ đen đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động. Ngoài ra sản phẩm phụ là rơm của lúa nếp quạ đen còn được tận dụng làm chổi bán với giá 30-35 nghìn đồng/chiếc, góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
Khi được gọi về loại gạo đặc sản này, bà Chín (Người dân huyện Thanh Sơn) tươi cười giới thiệu: Giống nếp này khi chín, vỏ hạt ngả màu cau khô, khi xát ra hạt gạo tròn, trắng đục. Trong nhà mà nấu xôi bằng thứ gạo này thì mùi thơm đặc trưng bay ra đến tận đầu ngõ, xôi để 2 đến 3 ngày vẫn dẻo thơm. Nếp Quạ Đen được xem đặc sản mà đến nay chưa có giống lúa nếp nào có thể sánh được.
Ông Đinh Công Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Thắng Sơn cho biết: “Đảng ủy chính quyền chúng tôi khẳng định giống lúa nếp Qụa đen rất phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Chúng tôi đề nghị UBND huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng các mô hình và xây dựng mô hình lúa của chúng tôi trở thành hợp tác xã và trở thành thương hiệu của địa phương”.
Nếp Quạ Đen đã và đang trở thành một đặc sản quý của quê hương miền núi Thanh Sơn, địa phương dự định sẽ phát triển, nhân rộng nếp quạ đen gắn với chế biến, phát triển làng nghề truyền thống, bền vững và đăng ký trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Góp phần tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc.
Hà Hương/KTĐU