Sự kiện hot
12 năm trước

Luật còn 'hở', dân còn chịu thiệt

Dù căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc người dân ngăn cản thi công dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai là sai.

Dù căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc người dân ngăn cản thi công dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai là sai. Tuy nhiên, vụ việc cũng cho thấy hệ thống pháp luật về đất đai chưa phù hợp, chậm đổi mới so với thực tiễn, khiến lợi ích của người dân không được đảm bảo.

Theo các chuyên gia, vụ việc xảy ra tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là ví dụ điển hình trong việc nhiều dự án, công trình chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân không đồng tình với mức chênh lệch giữa giá tiền đền bù mà chính quyền địa phương ấn định so với giá thị trường bên ngoài.

Không nên xử lý cứng nhắc

Khẳng định việc đòi tăng tiền đền bù của người dân là trái pháp luật tuy nhiên theo luật sư Lưu Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam), đây là việc làm “cực chẳng đã”. “ Tôi được biết người dân cũng đã có khiếu nại nhiều lần nhưng không được chính quyền giải quyết thấu đáo. Trong khi đó  tiền đền bù không đủ đảm bảo cho cuộc sống của người dân. Vấn đề là ở chỗ người đứng đầu chính quyền địa phương khi giải quyết vụ việc nóng về đất đai có thiện chí để đối thoại với người dân hay không?”, ông Tiết nói và cho rằng, giải quyết những vụ việc nhạy cảm liên quan tới quyền lợi người dân mà cứ căn cứ vào pháp luật mà làm thì không phải chính quyền của dân. Đó là chưa kể hệ thống pháp luật đất đai còn nhiều lỗ hổng.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, để xảy ra sự việc này trước hết là do lỗi của hệ thống pháp luật chưa phù hợp, chậm đổi mới so với thực tiễn. “Đây chính là hệ quả của tình trạng pháp luật đã thay đổi nhưng chưa mạnh dạn đi tới đích cuối cùng mà còn dùng dằng nhích từng bước một, khiến lợi ích của người dân không được đảm bảo, giá đất bồi thường chưa theo sát giá thị trường”, ông Võ nhận định. Ngược lại, về phía người dân, cho dù pháp luật có điểm này hay điểm kia chưa đạt nhưng khi đã ban hành thì người dân vẫn phải tuân theo. “Quan trọng nhất vẫn là cách xử lý của chính quyền như thế nào đối với những vụ việc này. Từ vụ việc Văn Giang vừa qua cho thấy chính quyền địa phương nhiều khi đã quá cứng nhắc khi sử dụng tới sức mạnh cưỡng chế. Tại sao chúng ta không tận dụng sức mạnh của dân vận, của cộng đồng để người thuyết phục người dân?”, ông Võ đặt câu hỏi.

Như Đất Việt đã thông tin, ngày 6/8, hàng chục hộ dân của 3 xã Nam Viêm, Tiền Châu, Phúc Thắng (thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã dựng lều ngăn cản việc thi công dự án Hà Nội – Lào Cai. Nguyên nhân là do các hộ dân không đồng tình với mức bồi thường, hỗ trợ là 43,5 triệu đồng/sào đất nông nghiệp của tỉnh và đề nghị chính quyền xem xét hỗ trợ giá đền bù giải phóng mặt bằng với mức tương đương với giá mà người dân xã giáp ranh là Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội) được nhận là 236 triệu đồng/sào, cũng với mục đích giải tỏa phục vụ dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Cần bỏ khung giá đất

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết, theo số liệu điều tra mới nhất, nhìn chung giá đền bù mà địa phương đưa ra đều thấp hơn giá thị trường từ 20-30%. “Tại những nước có thị trường phát triển thì việc định giá đất tiệm cận thị trường là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên khi áp dụng cơ chế này vào Việt Nam thì lại gặp nhiều vấn đề liên quan tới lợi ích nhóm, thông tin chưa minh bạch… khiến thị trường bị bóp méo, khống chế”, ông Chinh nói. Theo ông Chinh, một khi đã theo cơ chế thị trường, nhà nước cần bỏ quy định khung giá đất, kéo dài thời gian điều chỉnh giá đất lên 5 năm thay vì 1 năm như hiện nay.

Phân tích cụ thể hơn, GS Đặng Hùng Võ cho biết luật đã quy định khi xác định giá đất bồi thường, chính quyền địa phương được phép quyết định giá sao cho phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên lỗ hổng của pháp luật lại ở chỗ không quy định thế nào là giá thị trường. Chính vì vậy, nhiều nơi, giá đất đền bù thấp nhưng chính quyền vẫn được cho là làm đúng luật.  “Nói là thấp nhưng chính quyền họ cãi đó là hợp với thị trường thì không ai có thể làm gì được”, ông Võ lý giải.

Để khắc phục tình trạng này, theo GS Võ, Chính phủ cần ra một nghị định quy định quy trình định giá đất theo thị trường. Kinh nghiệm mà TP.HCM hiện đang áp dụng theo quy trình: tổ chức  độc lập định giá đất, sau đó là cơ quan chức năng thẩm định và cuối cùng mới là quyết định của các cấp có thẩm quyền. “Những vụ việc tương tự về sự phản ứng của người dân bị mất đất như Văn Giang (Hưng Yên), An Khánh (Hà Nội) và dự án cao tốc Lào Cai-Nội Bài …chắc chắc sẽ tiếp tục diễn ra nếu như chúng ta còn thiếu quy trình định giá đất hợp lý và chính quyền địa phương không giải quyết dựa trên sự thuyết phục từ phía cộng đồng người dân”, ông Võ đánh giá.

Chính phủ thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi)

Trong 2 ngày (7 - 8/8), Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về 8 dự án luật, trong đó có những luật mà nhân dân đang rất chờ đợi như Luật Đất đai, sửa đổi. Theo đánh giá, sau 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được những kết quả hết sức cơ bản. Tuy nhiên qua tổng kết tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2003 còn nổi lên một số tồn tại, bất cập chủ yếu là công tác quản lý nhà nước về đất đai còn hạn chế; quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc sử dụng đất đai nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp… Các thành viên Chính phủ đã đóng góp ý kiến tập trung vào những vấn đề  hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; cơ chế thu hồi đất; giá đất; thời gian ban hành và mục đích áp dụng bảng giá đất; thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giải quyết tranh chấp đất đai…

theo Đất Việt

Từ khóa: