Việc sửa đổi, bổ sung Luật DN 2005 lần này tập trung vào 6 nhóm vấn đề như: Các vấn đề về thành lập DN như xóa bỏ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); công khai, minh bạch hóa thông tin DN; quy định về giải thể DN và dừng hoạt động DN; mua bán, sáp nhập và tổ chức lại DN; khung quản trị DN. Luật DN (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 năm 2014.
Đối với các vấn đề thành lập DN, theo ông Bùi Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), vấn đề chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” đã được thay đổi từ Luật DN năm 1999 và được thừa kế trong Luật DN 2005, nhưng vẫn mang tính “tiền kiểm”. Đơn cử như những ngành nghề kinh doanh có điều kiện muốn thành lập DN phải có tiền ký quỹ, có chứng chỉ hành nghề. Như vậy, vừa gây khó khăn cho DN, không mang lại kết quả do người dân chỉ thực hiện mang tính đối phó.
Theo ông Tuấn, vấn đề này cần thay đổi để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư bằng cách chuyển hoàn toàn từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” và thay đổi phương thức “hậu kiểm”. Bỏ quy định về vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề quy định tại các Điều 16,17,18,19, 20 Luật DN. Bổ sung quy định về phương thức quản lý Nhà nước đối với DN theo hướng phối hợp liên ngành, cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tại Điều 162 Luật DN.
Còn, ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) cho rằng, theo quy định DN FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời với giấy đăng ký kinh doanh. Việc làm này sẽ giảm thiểu một số đầu việc cho DN FDI khi làm thủ tục cấp phép tại Việt Nam. Nhưng trên thực tế, khi triển khai lại gặp vướng mắc, do mỗi địa phương làm một cách, gây nên những bất cập.
“Vì thế, cần sửa đổi, tách đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư theo hai phương án: Đăng ký kinh doanh trước, đầu tư sau hoặc đầu tư trước, đăng ký sau. Ưu điểm của hai phương án này là nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng thành lập DN để thực hiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; nhà đầu tư chỉ phải bỏ vốn ra khi thủ tục đầu tư đã hoàn thành, thích hợp với các dự án lớn”, ông Tuấn nói.
Về vấn đề công khai minh bạch hóa thông tin DN, theo ông Phạm Quang Huy, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), điều này đã được nhắc đến quá nhiều, nhưng trên thực tế chúng ta chưa thực sự tạo ra được hệ thống công khai minh bạch hóa thông tin với DN, do thiếu hành lang pháp lý cụ thể. Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý DN, Nhà nước ta phải xây dựng công cụ luật pháp để ràng buộc về tính pháp lý của quy định công khai hóa, minh bạch hóa thông tin DN.
Vấn đề quy định giải thể và dừng hoạt động DN dù đã được quy định trong Luật DN năm 2005 nhưng chưa rõ ràng khiến DN ngập ngừng, lảng tránh thực hiện việc đăng ký giải thể.
Tính đến tháng 8/2013, cả nước có khoảng 141 nghìn DN “treo” ngừng hoạt động, không giải thể, phá sản. Trong khi đó, cơ quan chức năng rất khó để quản lý và giám sát.
Vấn đề này, theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cần các giải pháp đồng bộ về khung pháp lý và thực thi pháp luật (Luật DN, Luật Phá sản, Luật Xử phạt vi phạm hành chính…) để giải quyết.
Chưa kể, lĩnh vực mua bán sáp nhập DN (M&A), theo bà Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), Luật DN 2005 quy định chưa rõ ràng, vì thế cần luật hóa khái niệm M&A theo thông lệ quốc tế; sửa đổi quy định về vốn điều lệ sau hợp nhất/sáp nhập; cần quy định thủ tục hợp nhất, sáp nhập rút gọn giữa công ty mẹ và công ty con hoặc giữa các công ty con thuộc cùng một công ty mẹ; minh bạch hóa thông tin nhằm bảo vệ chủ nợ và các cổ đông thiểu số.
Ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư nhận định, Luật DN 2005 quy định chưa rõ về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của nguời đại diện theo pháp luật của DN. Do vậy, cần sửa đổi lại một số quy định phù hợp hơn với thực tế, bổ sung quy định mang tính hướng dẫn chi tiết, tạo cơ chế khuyến khích các bên thực hiện quản trị DN tốt.
Trần Quý
theo Thanh tra