Thời gian gần đây tình trạng giả nhãn hiệu đã trở nên khá phổ biến, từ thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng cho đến vật liệu xây dựng, hàng điện tử... Điều này không chỉ gây xáo trộn thị trường, thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhãn hiệu.
Bằng những chiêu trò, kỹ xảo tinh vi của doanh nghiệp các mặt hàng này đã qua mắt người tiêu dùng rất dễ dàng. Rất nhiều các linh kiện được nhập khẩu giá rẻ, kém chất lượng nhưng sau khi tu sửa lại được quảng cáo như hàng nhập khẩu chính hãng và bày bán với giá cao gấp nhiều lần hoặc tung thông tin hàng hiệu giảm giá gây hoang mang cho thị trường tiêu dùng.
Đơn cử như gần đây nhất có thể nói đến vấn đề giả nhãn hiệu mặt bếp của Công ty cổ phẩn Quốc tế Việt Hoa mà báo Người Tiêu dùng có phản ánh.
Cụ thể, tờ báo này cho biết, công ty cổ phần Quốc tế Việt Hoa có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp về schott ceran đối với nhãn hiệu mặt bếp: “Cụ thể, theo người dân phản ánh, Công ty này đã nhập các bộ phận từ nước ngoài về lắp ráp lại rồi lấy mác nhãn hiệu Napolzi.”
Công ty cổ phẩn Quốc tế Việt Hoa làm giả nhãn hiệu mặt bếp ( Ảnh: Người tiêu dùng)
Trước đó, công ty này cũng đã bị Đội quản lý thị trường số 6 – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (nay là Cục quản lý thị trường Hà Nội) tịch thu hơn 50 mặt bếp.
Tờ báo này cũng dẫn lời của ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết:”Hơn 50 chiếc bếp không phải bên phía đội tịch thu mà là tạm giữ, chứ không có chuyện tịch thu xong lại trả”. Ngay sau đó, Đội Quản lý thị trường số 6 đã ra quyết định số 1830 ngày 11/9/2018, phạt tiền 20 triệu đồng với hành vi bán hàng hoá và bộ phận giả nhãn hiệu đối với Công ty cổ phần Quốc tế Việt Hoa, buộc tiêu hủy 64 mặt bếp giả nhãn hiệu schott ceran giả nhãn hiệu. Đến ngày 13/9/2018, Phía công ty đã nộp phạt và chấp hành nên Đội Quản lý thị trường số 6 đã trả lại 64 thân bếp không bao gồm mặt bếp.
“Công ty này đã nhập thân bếp, linh kiện, mặt bếp ở nước ngoài về rồi lắp ráp thành bếp hoàn chỉnh. Công ty này nhập thân bếp từ Malaixia, Hàn Quốc có phiếu hải quan đầy đủ. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì phát hiện có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp về schott ceran đối với nhãn hiệu mặt bếp nên Đội đã tạm giữ 64 chiếc bếp. Phía công ty kinh doanh rất nhiều nhưng tại thời điểm kiểm tra, Đội chỉ phát hiện được 64 bếp mà có mặt giả nhãn hiệu đó thôi”, ông Nghĩa thông tin.
Công ty cổ phần Quốc tế Việt Hoa nhập những linh kiện ở nước ngoài về rồi lắp ráp thành bếp lấy nhãn hiệu Napolzi ( Ảnh: Người tiêu dùng)
Được biết, Công ty cổ phần Quốc tế Việt Hoa thành lập ngày 09-12-2004, mã số thuế là 0101578950 có địa chỉ tại 192 phố Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Do ông Trần Đăng Khoa làm chủ sở hữu.
Trước sự việc trên, nhiều người tiêu dùng bày tỏ quan ngại về tình trạng làm giả nhãn hiệu hiện nay từ các Công ty, đại lý, siêu thị. Đứng trước thực trạng như vậy, quyền lợi của người tiêu dùng có đang bị xâm hại nghiêm trọng?
Mai Quỳnh (t/h)
Theo PLBĐ.GĐXH