Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cuối tháng Tư, lượng đường tồn kho trong nước ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Công nhân đóng bao sản phẩm đường kính trắng RS tại nhà máy đường Kon Tum. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Cụ thể tổng lượng đường tồn kho hiện nay là hơn 690.000 tấn, trong đó tồn kho tại các nhà máy là 663.611 tấn, và tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 26.783 tấn.
Với tình hình đường tồn kho đang ở mức rất cao vào cuối vụ nhưng mùa Hè đang đến, nhu cầu đường tăng lên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo giá đường có khả năng được cải thiện trong tháng Năm.
Trong tháng Tư, giá bán buôn đường kính trắng đã tăng ở cả ba miền. Cụ thể, giá bán buôn đường tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên tăng 400 đồng/kg; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 300 đồng/kg và miền Bắc tăng 200-300 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá đường trong nước tăng, theo Hiệp hội mía đường là do cước vận chuyển tăng và Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer diễn ra vào giữa tháng Tư, đồng thời việc chống buôn lậu hiệu quả nên đường lậu vào ít hơn.
Cũng theo Hiệp hội Mía đường, hiện đường xuất sang Trung Quốc chậm do giá cước vận chuyển tăng.
Đến cuối tháng Tư và vài ngày đầu tháng Năm, Hiệp hội cho biết toàn bộ các nhà máy đường ở Miền Bắc và Nam Bộ kết thúc vụ, chỉ còn các nhà máy đường ở Miền Trung-Tây Nguyên tiếp tục sản xuất. Một vài nhà máy ở Duyên hải Miền Trung tiếp tục ép trong tháng Sáu và có thể sang tháng Bảy.
Tính đến 28/4, các nhà máy đường đã ép hơn 15,4 triệu tấn mía, sản xuất được gần 1,53 triệu tấn đường. Riêng đường sản xuất từ đường thô của nhà máy luyện Biên Hòa là 71.225 tấn, Biên Hòa-Tây Ninh 4.920 tấn; NIVL 18.857 tấn.
Liên Phương
theo TTXVN