Với 90 triệu người dân, Việt Nam đang khiến cả thế giới kinh ngạc khi “ngốn” khoảng 7 tỷ gói mỳ ăn liền/năm. Đây chính là miếng bánh ngon cho nhiều ông lớn lao vào trận chiến. Chẳng cần biết kẻ thắng, người thua, chỉ thấy người tiêu dùng mải miết móc hầu bao, chi tiền mua sản phẩm...
Hẳn ít người tiêu dùng biết rằng, Việt Nam đang là một trong bốn quốc gia hàng đầu thế giới về tiêu thụ mỳ ăn liền (vốn được gọi là mỳ tôm). Để làm rõ “cuộc chiến” giữa các hãng mỳ ăn liền, PV báo Đời sống và Pháp luật đã cất công “ngụp lặn” trong “thế giới mỳ tôm” nhằm tìm cho ra những nguyên lý “móc túi” khách hàng của các nhà sản xuất...
Thực tế đang hiện hữu rất rõ, các “thượng đế” đang phải móc hầu bao chi tiền vì choáng ngợp trước cách đánh bóng thương hiệu của các hãng mỳ.
“Ma trận” các nhãn hàng
Thị trường mỳ ăn liền Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mới đây, hiệp hội Mỳ ăn liền thế giới đưa thông tin, mức tiêu thụ sản phẩm này tại Việt Nam đang đứng thứ tư trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.
Theo đó, tổng sản lượng thị trường trong nước hiện ở mức khoảng hơn 7 tỷ gói/năm, cùng doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 4 năm trước đây, thị trường mỳ ăn liền tăng trưởng tới 24%. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng chững lại, chỉ đạt khoảng 5% nhưng thị trường vẫn được xem là miếng bánh ngon cho nhiều ông lớn.
Dạo một vòng quanh các siêu thị lớn, PV báo Đời sống và Pháp luật không khỏi choáng ngợp bởi hàng chục nhãn hàng mỳ gói đủ chủng loại, thương hiệu từ Hảo Hảo, Đệ Nhất, Lẩu Thái, Gấu Đỏ, Hello, Sợi phở vàng, Bốn Phương, Ba Miền, Omachi, Kokomi, Sagami, Miliket, Vifon...
Nhiều nhãn hiệu mỳ nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông cũng có mặt như Shin Yam Yum, Waiwai, mỳ vị ChaJang, mỳ Mama, Koka... Để tạo sự khác biệt, thu hút người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) còn tung ra nhiều mặt hàng đặc trưng như mỳ trứng vàng, mỳ không chiên 365, mỳ không chiên Mikochi hay mỳ Hoàng Gia có thịt, mỳ Ba Miền bổ sung các vitamin nhóm B...
Giá bán của các sản phẩm mỳ gói dao động từ 2.500 - 7.000 đồng/gói. Ngoài ra, một số sản phẩm mỳ ly nhập khẩu có giá gần 30.000 đồng/ly.
Đại diện các hệ thống siêu thị lớn như: BigC, Lotte Mart; Tienloimart cho biết, có khoảng 60 nhãn hiệu mỳ/bún ăn liền đang phân phối tại siêu thị, trong đó chiếm phần lớn là sản phẩm được sản xuất trong nước. Điển hình tại Co.opmart, có khoảng 60 nhà cung cấp mỳ ăn liền với gần 500 mã hàng với rất nhiều mùi vị. Trong đó, tỉ lệ hàng nội địa chiếm 95% .
Cuộc chạy đua giành thị phần mỳ gói không chỉ có sự tham gia của các DN sản xuất mỳ mà các nhà bán lẻ cũng nhảy vào khai thác với nhãn hàng riêng, theo thương hiệu của siêu thị. Theo đó, nhà bán lẻ thường “nắm trong tay” các số liệu về thị trường, sức mua và thị hiếu tiêu dùng nên khai thác hàng nhãn riêng vào đúng dòng sản phẩm đang tiêu thụ mạnh nhất.
Những nhãn hàng này sẽ cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của các DN, giá rẻ hơn ít nhất 5%-10%. Chẳng hạn, nhóm hàng mỳ gói, mỳ chua cay hiện đều có trong danh sách nhãn riêng của nhiều siêu thị. Như, BigC đang bán mỳ tôm chua cay nhãn riêng Wow với giá chỉ 2.200 đồng/gói, một thùng 30 gói giá 65.000 đồng.
Người tiêu dùng rất khó biết mình đang bị “móc túi” ra sao.
...Đến “cuộc chiến giành giật” thị phần
Một chuyên gia từng nhiều năm gắn bó thâm niên ở bộ Công Thương cho biết, mỳ ăn liền là loại hình “kinh doanh triệu đô”, chỉ dành cho những nhà đầu tư chịu được đầu tư đường dài. Một dây chuyền sản xuất mỳ ăn liền theo công nghệ châu âu “ngốn” khoảng 20 triệu USD, mà một công ty quy mô vừa cũng phải đầu tư vài dây chuyền mới tạo sản lượng đủ để cạnh tranh. Thế nhưng, dù với mức đầu tư như vậy, vẫn có không ít nhà đầu tư tham gia.
Hiện nay, có hơn 50 DN với nhiều quy mô khác nhau tham gia vào lĩnh vực này, sản xuất ra 7 tỉ gói/năm. Mỳ ăn liền nói chung được phân chia thành hai nhóm sản phẩm: Gốc mỳ (mỳ đóng gói) và gốc gạo (miến, bún, phở, cháo đóng gói). Tuy nhiên, trong loạt bài viết này, PV báo Đời sống và Pháp luật chỉ đề cập đến nhóm gốc mì.
Theo tìm hiểu của phóng viên thị phần mỳ ăn liền gốc mỳ đang nằm trong tay 5 nhà sản xuất lớn như: Acecook Vietnam, Asia Food, Vifon, Masan, Saigon Ve Wong. Còn lại một thị phần rất nhỏ chia đều cho các doanh nghiệp cả mới lẫn cũ, trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, ở nhóm này, vẫn có những doanh nghiệp tiềm năng như Uni-President, Miliket, Micoem...
Từ việc xác định thị trường, mỗi nhà sản xuất đã có những chiến lược sản phẩm và giá cả khác nhau, có thể đúc kết thành ba chiến lược chủ đạo. ở nhóm giá trung (2.000-3.000 đồng/gói) là hàng loạt các nhãn Hảo Hảo, Hảo 100, Bốn Phương, Gấu Đỏ, Hello, Vifood... Nhóm giá cao (trên 3.000 đồng/gói) có Đệ Nhất, Lẩu Thái, Sumo, Osami.
Về mặt sản phẩm, các nhãn này không có nhiều khác biệt. Cũng không thể đếm hết các nhãn hiệu tương tự, chủ yếu là của hai nhà sản xuất Acecook Vietnam và Asia Food. Hai đại gia này chọn chiến lược tung nhiều nhãn để chọn lọc, kinh doanh theo lối bán nhiều, tạo doanh số lớn.
Không chỉ quyết liệt trong cuộc đua sản phẩm và giá cả, các nhà kinh doanh còn giành “từng tấc đất” trên mặt trận phân phối. Và, đối với mặt trận này, các nhà sản xuất mỳ ăn liền đang áp dụng hai chiến lược chính. Hai đại gia dẫn đầu thị trường là Acecook Vietnam và Asia Food phân phối theo hệ thống đại lý cấp 1 (bán sỉ).
Hai doanh nghiệp này chọn ra nhiều nhà bán sỉ và nhiệm vụ của các nhà bán sỉ này là phân phối xuống các nhà bán sỉ cấp dưới rồi phủ đến các tiệm bán lẻ. Khi khách hàng có nhu cầu, các tiệm bán lẻ sẽ báo lên các nhà bán sỉ và hai doanh nghiệp này sẽ cung cấp sản phẩm theo hình thức bán đứt.
Trong khi đó, Masan lại chọn hướng ngược lại là phân phối bán lẻ, theo cách của Unilever, P&G. Công ty này tập trung vào một số nhà bán lẻ tốt nhất, có khả năng bao phủ thị trường trên diện rộng. Với cách làm này, Masan phải đầu tư khá lớn. Nhưng bù lại, do không phải chờ đến khi có nhu cầu mới cung ứng nên khả năng đẩy hàng của Masan có thể nhanh hơn các đối thủ.
Trong khi thực hiện loạt bài viết này, nguồn tin mà PV báo Đời sống và Pháp luật nhận được, sắp tới, sẽ có ít nhất hai nhà đầu tư mới nhảy vào thị trường mỳ tôm. Cuộc “đại chiến” mỳ ăn liền sẽ thêm phần khốc liệt? Câu hỏi ai sẽ thắng, chưa thể có câu trả lời, nhưng trước mắt, kẻ thiệt không phải một ông lớn nào trong ngành mà chính là người tiêu dùng, những người đang liên tục được phục vụ bằng các sản phẩm mỳ ăn liền không biết có lợi và hại cho sức khỏe như thế nào?
Thị trường mỳ ăn liền chỉ bắt đầu bùng nổ và một xu hướng phát triển kinh doanh dựa vào tiếp thị hình ảnh, truyền thông chỉ thực sự xuất hiện khi liên doanh sản xuất mỳ Vifon Acecook hình thành vào năm 1993. Cuộc cạnh tranh trên thị trường cũng khá quyết liệt cả giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trần Quyết - Dương Thu
theo ĐSPL