Theo phản ánh, thương hiệu bếp từ Spelier được quảng cáo và giới thiệu là thương hiệu nổi tiếng với các sản phẩm nhập khẩu từ Đức. Thế nhưng, trên thị trường, cũng thương hiệu này lại xuất hiện cả những chiếc bếp có nguồn gốc từ Trung Quốc khiến người tiêu dùng lo lắng.
Chị Phạm Kim Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “ Gia đình tôi đang có nhu cầu mua bếp để về lắp đặt cho nhà mới, hiện tại có tham khảo qua thương hiệu Spelier. Đi qua một số cửa hàng thì họ toàn giới thiệu là thương hiệu của Đức, nhưng trên tem của sản phẩm thì lại có Malaysia và Trung Quốc. Ngoài ra, cùng một loại sản phẩm nhưng cửa hàng này thì bán một giá, cửa hàng kia lại bán một giá mà toàn chênh nhau tới vài triệu đồng không biết chất lượng như thế nào mà họ lai bán giá khác nhau như vậy”.
Bằng công cụ tìm kiếm trên internet, chỉ cần gõ cụm từ “bếp từ Spelier” hàng nghìn kết quả sẽ được hiện ra với các ngôn từ quảng cáo thương hiệu Spelier là thương hiệu Đức nhưng hầu hết đều của các đại lý hay những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ đang chạy quảng cáo chứ không hề có thông tin liên kết tới doanh nghiệp hay chủ sở hữu thương hiệu này tại Đức. Cùng một loại sản phẩm nhưng mỗi cửa hàng lại một giá khác nhau.
Cụ thể, trên website mediamart.vn sản phẩm Spelier SBK – 05D có xuất xứ từ Đức giá niêm yết là 12 triệu giảm còn 5,8 triệu đồng, bảo hành trong thời gian 2 năm và hỗ trợ lắp đặt tại nhà. Còn tại cửa hàng bếp Phương Đông có địa chỉ 12 Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cũng sản phẩm bếp từ Spelier SBK -05D lại có giá niêm yết là 13 triệu và đang giảm giá còn 9,5 triệu đồng.
Ngoài ra, theo khảo sát của phóng viên, hàng loạt những cửa hàng nằm tại tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt… đều đang bán loại bếp từ thương hiệu Spelier với nhiều model mẫu mã khác nhau và được ưa chuộng nhất hiện nay với giá cả lên tới hàng chục triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Đức Toàn - Giám đốc Công ty Cổ phần Kĩ thuật điện Việt Nam - Đức cho biết: “Thương hiệu Spelier hiện nay có thể hiểu là thương hiệu của Việt Nam hay Đức đúng. Bởi lẽ, thương hiệu này do người Việt sống tại Đức thành lập và mở công ty tại đó nên có thể hiểu theo cách nào cũng được”.
Ông Toàn cho biết, “Thương hiệu Spelier được thành lập và hoạt động kinh doanh mặt hàng bếp từ năm 2015, công ty có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, có loại được lắp ráp tại Trung Quốc, Malaysia và có loại cũng được lắp ráp từ Đức. Trên mỗi sản phẩm đều được ghi rõ là nguồn gốc sản xuất tại đâu để người tiêu dùng có thể phân biệt”.
Lý giải về giá thành của sản phẩm các đại lý chênh nhau quá nhiều so với giá niêm yết, ông Toàn giải thích: “Khi sản phẩm công ty phân phối cho đại lý, công ty sẽ chiết khấu cho họ 50% và đến tay người tiêu dùng các đại lý này sẽ lựa theo mức chiết khấu này để bán cho khách miễn sao là họ cảm thấy có lãi trong số phần trăm mà bên anh đã chiết khấu. Thế nên, về việc này có thể hiểu là chiến lược kinh doanh của từng cửa hàng”.
91% bếp từ, điện từ nhập khẩu từ Trung Quốc
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam khai báo đã nhập hơn 2,1 triệu bếp từ, điện từ (không bao gồm linh kiện, phụ tùng) với tổng giá trị hơn 65 triệu USD.
Đáng chú ý, 91,5% số bếp từ, điện từ này có nguồn gốc từ Trung Quốc (tức gần 2 triệu bếp từ, điện từ).
Trong khi đó, các sản phẩm đến từ Châu Âu lại có tỷ lệ nhập khẩu rất ít. Cụ thể: Nhập từ Tây Ban Nha 44 nghìn sản phẩm, chiếm 2%; nhập từ Đức 15 nghìn sản phẩm, chiếm 0,7%; các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan cũng chỉ từ 0,2 – 1%...
Huy Đức - Tú Thành
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng