Mới ở giai đoạn bắt đầu, thị trường còn rất nhỏ bé, nhưng cây mắc ca đang hứa hẹn trở thành cây có thể làm thay đổi cơ cấu nông nghiệp Việt Nam.
sản phẩm mắc ca chế biến rất đa dạng đang có mặt trên thị trường
Ngành Công nghiệp đầy triển vọng
Cây mắc ca có xuất xứ từ Úc với tên gọi đầy đủ là Macadamia. Đây là một loại cây trồng cho quả hạch có lịch sử trẻ nhất trong các loại cây trồng mà con người biết đến. Tuy vậy, với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, mắc ca nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong các loại quả hạch và được mệnh danh là “Hoàng hậu các loại hạt khô”.
Mắc ca không bị bó hẹp trong một thị trường sản phẩm duy nhất như trường hợp cây cà phê. Ngoài giá trị chính là nhân hạt có thể chế biến thành nhiều sản phẩm trong những ngành hàng khác nhau như thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… thì các sản phẩm từ các bộ phận khác của cây như vỏ mắc ca có thể làm phân bón, chất đốt… cũng mang lại nguồn lợi đáng kể, tạo thêm công ăn việc làm cho người sản xuất.
Nếu như cách dùng cà phê khá nghèo nàn, chủ yếu làm đồ uống và một phần nhỏ pha rượu hay bánh kẹo thì với mắc ca do đặc điểm giòn, bùi, thơm ngon, cách ăn và chế biến cũng rất đa dạng cho phép mắc ca vượt qua mọi ranh giới sắc tộc, tôn giáo, tuổi tác, giới tính và truyền thống ẩm thực để đến với mọi người trên thế giới. Vì là đồ ăn nên lượng tiêu dùng hàng ngày của mỗi người sẽ lớn hơn cà phê, ca cao rất nhiều. Hàm lượng axit béo không no cao, mắc ca sẽ là sự lựa chọn cho nỗi lo bệnh tim mạch của thời đại và làm dung môi trong ngành sản xuất mỹ phẩm - một ngành sản xuất đang phát triển với tốc độ cao do lợi nhuận siêu ngạch.
Mặc dù nhân hạt mắc ca có rất nhiều ưu điểm nhưng sản lượng so với các loại hạt khác được sản xuất trên toàn thế giới còn rất khiêm tốn, gần như nhỏ nhất so với các loại quả khác. Điều này cho thấy tiềm năng về phát triển sản xuất mắc ca và thị trường tiêu thụ còn rất rộng lớn.
Cho tới nay, sản lượng mắc ca trên toàn thế giới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu trong khi tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%. Theo các thống kê trên thế giới trong năm 2012, 5 nước đứng đầu về sản lượng mắc ca hiện là Úc, Nam Phi, Mỹ, Malawi và Brazil. Việt Nam hiện đứng thứ 11/17 nước có diện tích mắc ca lớn nhất trên thế giới.
Trên thực tế quỹ đất và các vùng sinh thái phù hợp với trồng cây mắc ca trên thế giới không còn nhiều, đặc biệt các vùng khí hậu đặc biệt phù hợp như Tây Bắc hay Tây Nguyên Việt Nam là rất hiếm. Việc quy hoạch và đầu tư vào mắc ca ở Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi và hứa hẹn khả năng sinh lời cao. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp đang tăng cường mạnh mẽ, đầu tư cho mắc ca và mắc ca vẫn sẽ tiếp tục được gọi là ”ngành Công nghiệp tỷ đô” trong nhiều năm tới.
Cây mắc ca trồng tại Điện Biên
TS Nguyễn Trí Ngọc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Khoa học công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây cho biết: ”Các giá trị dinh dưỡng của hạt mắc ca đã được khoa học chứng minh, trong đó đặc biệt là hàm lượng chất béo không no cao có lợi cho tim mạch, có lẽ vì thế lượng tiêu dùng mắc ca nhiều nhất là ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản do đó đầu tư cho mắc ca mang lại lợi ích kinh tế cao là điều dễ hiểu”.
Vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu
Cây mắc ca đã xuất hiện ở Việt Nam từ hơn 10 năm. Việt Nam hiện đứng thứ 11 trên thế giới về diện tích trồng mắc ca.
Nghị định 210/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/2/2014 đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các DN và nhà đầu tư khi đầu tư vào cây mắc ca. Đối với các dự án trồng mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở… Như vậy việc đầu tư phát triển cây mắc ca đang được Chính phủ quan tâm mạnh mẽ.
Có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào mắc ca từ nhiều năm nay trong cả sản xuất cây giống, trồng cây, chế biến và thương mại. Những tên tuổi nổi bật trong đó là Vinamacca, Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông lâm sản chế biến, Cty IDT International, Donafood và nhiều doanh nghiệp khác. Ngân hàng Liên Việt PostBank cũng công bố sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng cho ngành Mắc ca.
Trong năm 2014, dự án chế biến mắc ca của IDT đã giới thiệu ra thị trường bộ sản phẩm thương hiệu Macca Delix với hai loại: Macca tẩm gia vị bao gồm 4 vị Macca rang vị tự nhiên, vị rang muối, vị mật ong và vị mù tạt cùng mắc ca tự nhiên bao gồm 8 style và mắc ca nứt vỏ. Tuy nhiên các sản phẩm nói trên đều phải nhập nguyên liệu nhân mắc ca cao cấp từ Úc do khả năng cung cấp trong nước còn rất thấp.
Trồng xen mắc ca và cà phê
Theo ông Lê Tùng Anh, Giám đốc Dự án Mắc ca Công ty IDT International: ”Với những người tham gia kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ mắc ca, giá trị gia tăng của lĩnh vực này rất lớn, thường là gấp từ 3 đến 40 lần so với giá nguyên liệu tùy theo sản phẩm. Theo số liệu của Hiệp hội Quả hoạch và Hoa quả sấy thế giới công bố doanh thu từ mắc ca là 728 tỷ USD trong năm 2012 và tốc độ phát triển thị trường là 10,9% trong giai đoạn từ 2006. Trong bối cảnh cung không đủ cầu như hiện nay, tôi nghĩ các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tìm thấy những lĩnh vực, sản phẩm cụ thể tạo ra giá trị tốt khi tham gia vào thị trường mắc ca. Nguồn thu từ mắc ca có tính ổn định hơn so với các lĩnh vực khác do đó mắc ca là cơ hội vàng để doanh nghiệp và nông dân cùng làm giàu. Mắc ca có thể mang lại cho nền kinh tế Việt Nam hàng tỷ đô la mỗi năm”.
Ngày 24/1/2015, festival mắc ca sẽ lần đầu được tổ chức tại Việt Nam, do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây và Công ty IDT tổ chức.
Ngày 6/2/2015, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ tổ chức hội thảo Chiến lược Phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên.
Cùng với Thông tư 05/TT/BKHĐT hướng dẫn thi hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP vừa được ban hành và có hiệu lực, trong đó hàng loạt ưu đãi hỗ trợ phát triển cây giống, tiền thuê đất... đang mở ra khá nhiều thuận lợi cho cây mắc ca phát triển ở Việt Nam.
|
Ngân Hà
theo Thanh tra