Mâm cúng Tất niên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trang trọng để chứng tỏ lòng thành.
Lễ cúng Tất niên trong phong tục của người Việt Nam là nghi thức tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới. Vì vậy, mâm cúng Tất niên cũng cần có sự chuẩn bị cẩn thận, chỉn chu và trang trọng.
Chiều 30 Tết, các gia đình nên chuẩn bị 2 mâm, một mâm cúng Tất niên và mâm cúng giao thừa. Người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà sẽ thắp hương, đọc văn khấn còn các thành viên sẽ vái lạy.
Trong mâm cúng Tất niên, hương và đèn là 2 vật không thể thiếu. Hương tượng trưng cho các vì sao, kết nối giữa âm với dương còn đèn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời nên thường trên bàn thờ sẽ có đủ 2 cây đèn.
Bên cạnh đó, một lễ không thể thiếu trong mâm cúng tất niên là mâm ngũ quả. Mâm này không được dùng hoa quả xanh hay hoa quả giả bằng nhựa, các loại quả đều phải là những quả ăn được và thông dụng, đẹp mắt, không bị sâu hoặc dập. Mâm ngũ quả cần được đặt 2 bên bàn thờ, không được đặt ở trước bát hương.
Các món ăn trên mâm cúng sẽ được làm thịnh soạn hơn so với ngày thường và tùy thuộc vào văn hóa vùng miền sẽ có những món khác nhau, ví dụ như miền Nam sẽ có bánh tét, thịt kho tàu, nem, chả giò... còn miền Bắc sẽ có bánh chưng, giò lụa, giò xào, canh móng giò hầm măng...
Trong khi đó, miền Trung sẽ tùy chọn giữa bánh chưng hoặc bánh tét (hoặc cả hai), giò lụa, thịt heo luộc, gà bóp rau răm...
Mâm cúng Tất niên có thể là món mặn hoặc món chay. Trên bàn thờ chỉ sử dụng hoa tươi, trái cây tươi, một ít tiền vàng mã tượng trưng. Tùy hoàn cảnh gia đình, mâm cúng Tất niên có thể khác nhau nhưng quan trọng là lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.