Tiện lợi, sạch sẽ là những ưu điểm khiến cho nhu cầu sử dụng màng bọc thực phẩm của các gia đình rất lớn. Tuy nhiên nếu sử dụng sai cách, màng bọc thực phẩm lại gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Tại Việt Nam, trên thị trường hiện cũng có rất nhiều loại màng bọc thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, Nhật… với các nguyên liệu nhựa tổng hợp với chất liệu phổ biến chủ yếu từ PVC (Polyvinyl chloride) và PE (Polyethylene). Do đặc tính hóa học của vật liệu PVC, khi chế tạo, các nhà sản xuất phải sử dụng phụ gia DEHA (Di-ethylhexyl adipate) hoặc DEHP (Di-ethylhexyl phthalate) để làm mềm và làm trong suốt màng bọc. Còn đối với vật liệu PE thì không cần dùng phụ gia do vật liệu đã có đặc tính mềm dẻo và trong suốt khi chế tạo.
Đáng nói là muốn tìm loại màng bọc PE hiện nay không dễ, bởi ngay những kênh bán hàng lớn như siêu thị, cửa hàng nhựa cũng ít có. Sản phẩm PE chỉ có các loại túi đựng thực phẩm có lớp khóa nhựa phía trên, được đóng trong hộp giấy, giá bán cao gấp hai, ba lần loại màng bọc. Song nhiều người tiêu dùng cho rằng sử dụng loại túi này rất bất tiện. Do thực phẩm mua về sơ chế hay thức ăn dư sau mỗi bữa cơm thường được đưa vào tô, dĩa… dùng màng bọc phủ kín đưa vào tủ lạnh tiện dụng, mỏng, dễ bám dính hơn là bỏ vào túi. Theo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại bao bì thực phẩm, giá thành sản xuất PVC rẻ hơn PE rất nhiều.
Theo một chuyên gia về polimer thuộc Trung tâm phát triển công nghệ cao (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thì từ những năm 80, 90 thế kỷ trước nhiều nước đã cấm sử dụng nhựa PVC để đựng thực phẩm, bia rượu, nước uống. Nguyên do trong thành phần PVC có một số chất độc mà khi dùng bảo quản thực phẩm thì nguy cơ bị thôi nhiễm rất dễ vào thực phẩm sẽ tác động đến hệ thống nội tiết làm phát triển sớm ở trẻ em gái và ảnh hưởng đến sinh sản ở trẻ em trai. Trong khi đó, nhựa PE an toàn hơn vật liệu PVC, được sử dụng rộng rãi với ngành thực phẩm.
Việt Nam chưa có văn bản cấm sản xuất, lưu hành màng bọc làm từ nhựa PVC. Tuy nhiên, khi chế tạo, để loại màng bọc này được dai, mềm, trong suốt như loại PE thì nhiều nhà sản xuất đã cho vào đó một số chất tạo dẻo như DEHP (Di-ethylhexyl phthalate) và DEHA (Di-ethylhexyl adipate), và nguy cơ nhiễm độc là từ các chất này. Chúng có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hoóc môn của cơ thể con người. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Theo các chuyên gia sức khỏe, hóa chất độc hại nhất trong màng bọc thực phẩm là Bisphenol A (BPA), vốn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất chất dẻo từ nhựa. Trong cơ thể, chất này gây ảnh hưởng tới hóc-môn estrogen ở nữ giới. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng đã phát hiện mối liên hệ giữa BPA với bệnh ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và quá trình dậy thì sớm bất thường.
Việc lựa chọn màng bọc thực phẩm và cách sử dụng đúng cách để bảo quản thực phẩm rất quan trọng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn mua màng bọc thực phẩm của các thương hiệu có uy tín, có giấy chứng nhận chất lượng của các cơ quan quản lý và đọc kỹ thành phần màng bọc. Màng bọc cần cách thực phẩm ít nhất 2,5 cm. Vì nếu bọc trực tiếp, các chất có hại trong màng bọc có thể thôi nhiễm, thâm nhập vào thực phẩm, gây ra tác hại khôn lường cho sức khỏe. Vì thế, nên để thực phẩm trong hộp thủy tinh cao rồi mới bọc bằng màng thực phẩm. Ngoài ra, không dùng bọc những của quả như cà rốt, dưa chuột, đậu đũa vì sẽ khiến hàm lượng vitamin C của những củ, quả này giảm đi nhiều.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh màng bọc chế tạo từ vật liệu PE an toàn vì ít chất phụ gia hơn từ vật liệu PVC. Và để phân biệt 2 vật liệu này, người tiêu dùng có thể chú ý đến các đặc điểm sau đó là : Màng PVC có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo dãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc. Còn màng PE có màu trắng, trong suốt, dai khi kéo dãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy. Đặc biệt, hạn chế dùng màng bọc thức ăn khi còn quá nóng. Cả với màng PVC và PE, đều cần hạn chế bao gói thực phẩm có nhiều dầu mỡ, không bọc màng khi hâm nóng trong lò vi sóng… Màng bọc PVC chỉ thích hợp với thực phẩm chưa qua chế biến và cần rửa sạch lại thực phẩm khi chế biến, màng PE phù hợp bảo quản thức ăn đã qua sơ chế.
Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng