Sự kiện hot
4 tháng trước

Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành gốm sứ năm 2024

Vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm tổ chức chương trình Kết nối “Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành gốm sứ năm 2024" tại Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội) nhằm kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp ngành gốm sứ phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn.

Đại biểu cắt băng khai mạc Chương trình

Chương trình sẽ kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn. Chương trình có quy mô 80 gian hàng và các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm Gốm sứ, khu trình diễn của các Nghệ nhân để các du khách có thể tham quan, trải nghiệm thực tế.

Với mong muốn xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, thiết thực, phát triển bền vững; trong những năm qua Thành phố Hà Nội luôn quan tâm và chỉ đạo Sở Công Thương cũng như các sở, ngành khác tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng với các doanh nghiệp, người tiêu dùng như: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững; sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, tư vấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế...

Đại biểu, khách mời xem gốm sứ

Huyện Gia Lâm là vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô, nơi giao thoa giữa 2 nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc. Hiện nay, huyện Gia Lâm có 320 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt (đền Phù Đổng); 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 86 di tích xếp hạng cấp thành phố; 19 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng - kháng chiến và hàng vạn di vật, hiện vật có giá trị tiêu biểu cho diện mạo văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Toàn huyện có 6 làng được công nhận làng nghề truyền thống: Làng nghề truyền thống gốm xứ Kim Lan, Làng nghề truyền thống gốm xứ Bát Tràng, Làng nghề truyền thống gốm xứ Giang Cao, Làng nghề truyền thống rát vàng, bạc, quỳ và may da Kiêu Kỵ, Làng Nghề thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp, Làng nghề hoa giấy Phù Đổng; các làng nghề đều có phương án bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể. Với tiềm năng phong phú về văn hóa, sinh thái huyện Gia Lâm đã định hướng cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, theo hướng tăng dần tỉ trọng dịch vụ - du lịch, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, thị trường, dịch vụ, ngành nghề truyền thống.

Chương trình Kết nối "Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành gốm sứ năm 2024" hứa hẹn mang đến cho các cơ sở sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng cái nhìn cụ thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, thể hiện sự đồng hành của thành phố Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững, giúp bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát huy và giữ gìn cho ngành Gốm sứ phát triển bền vững và ổn định; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm Gốm sứ nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thành phố Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng tiếp tục đăng ký tham gia Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên.

Hoàng Nhung

Theo KTDU
 

Từ khóa: