Sự kiện hot
6 năm trước

Mập mờ tên gọi nước mắm - nước chấm trên các gian hàng thương mại điện tử của Tiki, Lotte…

Trên các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Lotte… khái niệm nước mắm và nước chấm đang bị đánh tráo, còn người tiêu dùng thì rơi vào "ma trận" tên gọi.

Nước chấm bị gắn mác nước mắm

Mập mờ tên gọi nước mắm - nước chấm trên các gian hàng thương mại điện tử của Tiki, Lotte… - Ảnh 1.

Nhiều loại nước chấm bị trang thương mại điện tử gắn mác nước mắm. (Ảnh: Tiki).

Trên gian hàng chính hãng của Tiki-Tiki Trading đang bày bán hàng chục sản phẩm nước chấm nhưng vẫn được trang thương mại điện tử này gắn mác nước mắm.

Mặc dù có rất nhiều sản phẩm đã được nhà sản xuất gọi đúng tên nước chấm và tên gọi này được in rõ ràng trên bao bì nhưng các trang thương mại điện tử vẫn vô tình hoặc cố ý đánh đồng hai khái niệm này và giới thiệu các sản phẩm này là nước mắm. Nếu không đọc kĩ, người tiêu dùng sẽ dễ bị nhầm lẫn. 

Trên Tiki Trading, một chai nước chấm "ông Tây" có giá 15.000 đồng cho 800ml được trang bán lẻ này gọi là nước mắm mặc dù trên bao bì sản phẩm đến từ Micoem này đã được ghi rõ là "nước chấm ngon Ông Tây". 

Mập mờ tên gọi nước mắm - nước chấm trên các gian hàng thương mại điện tử của Tiki, Lotte… - Ảnh 2.

Mặc dù sản phẩm đã được nhà sản xuất ghi rõ là nước chấm, nhưng trang thương mại điện tử này vẫn cố tình gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng khi gọi nó là nước mắm. (Ảnh: Tiki).

Trong phần giới thiệu về sản phẩm, Tiki tiếp tục giới thiệu đây là...nước mắm: "Sản phẩm nước mắm ông Tây được sản xuất trên dây chuyền hiện đại với nguồn nguyên liệu tươi ngon nhất, đặc biệt bổ sung thêm hương cá hồi thượng hạng giúp cho hương vị của nước mắm trở nên đậm đà hơn, thơm ngon hơn".

Mập mờ tên gọi nước mắm - nước chấm trên các gian hàng thương mại điện tử của Tiki, Lotte… - Ảnh 3.

Phần mô tả sản phẩm được TiKi gọi rõ ràng hơn là nước mắm, bất chấp tên gọi nước chấm được in rõ ràng trên bao bì sản phẩm. (Ảnh:Tiki).

Tuy nhiên, nếu đọc kĩ các thành phần ghi trên bao bì sản phẩm và đặc biệt ngay từ chính tên gọi của sản phẩm, người ta có thể nhận ra đây chính là một loại nước chấm chứ không phải nước mắm: "Thành phần gồm nước, muối, tinh cốt cá cơm, chất điều vị, chất điều chỉnh độ axit, hương cá hồi tổng hợp,…". 

Ngoài ra, trên gian hàng chính hãng của trang thương mại điện tử Lotte, nhà bán lẻ này đã xếp lẫn những sản phẩm nước chấm và nước mắm với nhau. Khi người tiêu dùng tìm kiếm với từ khóa "nước mắm", hàng loạt các sản phẩm nước chấm được trả về, tất nhiên vẫn được Lotte giới thiệu là nước mắm.

Mập mờ tên gọi nước mắm - nước chấm trên các gian hàng thương mại điện tử của Tiki, Lotte… - Ảnh 4.

Nước chấm bị cố tình xếp chung với các loại nước mắm. (Ảnh: Lotte).

Cũng như Tiki, Lotte gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi gọi những dòng sản phẩm nước chấm là nước mắm mà không có những giải thích hay miêu tả sản phẩm cụ thể, dễ dàng gây nhầm lẫn và khó khăn cho người tiêu dùng khi chọn mua. 

Nước mắm và nước chấm là hai khái niệm khác nhau

Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau mà người dùng cần phải phân biệt rõ. Có rất nhiều quan điểm khác nhau phân biệt giữa hai khái niệm này và hiện tại vẫn chưa có những qui chuẩn cụ thể nào. Vào năm 2016, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã đưa ra những khái niệm cơ bản về nước mắm và nước chấm. 

Theo đó, nước mắm là sản phẩm truyền thống, lâu đời của Việt Nam. Phương pháp sản xuất truyền thống là quá trình lên men tự nhiên hỗn hợp bao gồm cá và muối. Nước mắm có thể được làm từ nhiều loại cá như cá cơm, cá nục, cá trích, cá thu,...

Theo phần lớn các chuyên gia, chỉ có sản phẩm sản xuất bằng phương pháp truyền thống lên men hỗn hợp cá và muối, không bổ sung thêm bất kỳ nguyên liệu, phụ gia nào thì mới được gọi là nước mắm truyền thống. Các loại sản phẩm pha chế từ nước mắm truyền thống thì phải được gọi là nước mắm pha chế, nước mắm công nghiệp hay nước chấm. 

Còn theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5107:2018 do Ban kĩ thuật tiêu chuẩn quốc gia ban hành năm 2018 thì khái niệm nước mắm được dùng để chỉ "Sản phẩm dạng dịch lỏng trong, thu được từ hỗn hợp của cá và muối, đã được lên men tự nhiên trong một khoảng thời gian ít nhất 6 tháng". 

Cũng theo bộ tiêu chuẩn này, các sản phẩm nước mắm phải ghi rõ thành phần gồm "cá và muối". Các loại nước chấm khác pha chế từ nước mắm nguyên chất phải ghi rõ: nước mắm nguyên chất, nước, muối, đường, và loại phụ gia thực phẩm cụ thể có trong thành phần sản phẩm.

Về nước chấm, theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1763:1986 do Bộ Công nghiệp thực phẩm ban hành, nước chấm được hiểu là "nước chấm lên men và nước chấm hóa giải sản xuất từ nguyên liệu giàu Protein có nguồn gốc thực vật, theo phương pháp vi sinh hoặc phương pháp hóa học". Do đó, nước chấm sẽ có các thành phần như nước mắm cốt, nước, các chất phụ gia, hương vị…

Mặt khác, các sản phẩm nước mắm có độ đạm từ 10 độ đến 30 độ trong khi đó nước chấm thường có độ đạm dưới 10 độ. Như vậy, với việc nhập nhằng các tên gọi giữa nước mắm và nước chấm, các trang thương mại điện tử đã khiến người tiêu dùng có thể nhầm lẫn.

Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: