Sau phát hành, vốn điều lệ của Masan sẽ tăng từ 11.747 tỷ lên 11.805 tỷ đồng. Số tiền thu được từ việc phát hành sẽ được sử dụng để tăng vốn điều lệ, phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của công ty.
HĐQT Masan Group (HoSE: MSN) thông qua phát hành 5,85 triệu cổ phần cho người lao động theo chương trình lựa chọn (ESOP). Tỷ lệ cổ phiếu phát hành/tổng cổ phiếu đang lưu hành là 0,498%. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp.
Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 27/5 đến 7/6. Sau phát hành, vốn điều lệ của Masan sẽ tăng từ 11.747 tỷ lên 11.805 tỷ đồng. Số tiền thu được từ việc phát hành sẽ được sử dụng để tăng vốn điều lệ, phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của công ty.
HĐQT Masan Group đã trình danh sách 31 nhân sự được tham gia chương trình ESOP lần này, trong đó có những cái tên nổi bật như Tổng Giám đốc Danny Le, 2 Phó Tổng giám đốc Michael Hung Nguyen và Nguyễn Thiều Nam…
Theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2021, HĐQT công ty đã chấp thuận phương án không chia cổ tức năm 2020. Cổ tức 2019 là 10% bằng tiền mặt, tương ứng số tiền 1.175 tỷ đồng.
Trong quí 1/2021, Masan Group tăng trưởng EBITDA 62,2% và tăng trưởng doanh thu 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái . Cụ thể, The CrownX đạt 1.216 tỷ đồng, xấp xỉ gấp đôi so với mức 614 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, VinCommerce có lợi nhuận trong hai quý liên tiếp, biên EBITDA cải thiện từ mức 0,2% vào quý IV/2020 lên 1,8% vào quý I/2021. Quý I/2021, VCM đã hoàn tất đàm phán với các nhà cung cấp chiến lược chiếm 40% doanh thu của chuỗi, giúp tăng biên lợi nhuận thương mại lên 1,0% trên cơ sở doanh thu của các nhà cung cấp trên. VCM đang trên đà đạt mục tiêu tăng lợi nhuận thương mại lên 2,5 - 3,0% cho năm tài chính 2021.
Masan Consumer Holdings ghi nhận doanh thu tăng trưởng 18,8% và biên EBITDA tăng trưởng 20,8% dù giá nguyên liệu thô tăng. Doanh thu gia tăng nhờ chiến lược tăng trưởng được dẫn dắt bởi phát kiến đột phá 42% tăng trưởng trong quý I/2021 đến từ các sản phẩm mới ra mắt vào năm 2020. Tăng trưởng ngành hàng đồ uống hồi phục, cải thiện 35,5%.
Trong khi đó, như đã dự báo, ngành hàng thực phẩm tiện lợi có mức tăng trưởng chậm so với quý I/2020 do người tiêu dùng tăng cường dự trữ thực phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 vào cùng kỳ năm trước. Ban Điều hành dự kiến lợi nhuận sẽ được cải thiện ở mức tương đương năm 2020 trong các quý tiếp theo khi chi phí đầu tư thương hiệu và chi phí bán hàng được tối ưu hóa.
Hà Linh
Theo KTDU