Gần một năm mua lại phần vốn góp ở CTCP Địa ốc Viễn Đông từ tay 2 DN, ông Nguyễn Sơn phát hiện có trên 2 triệu cổ phần trị giá hơn 54 tỷ đồng, không hề tồn tại.
Gần một năm mua lại phần vốn góp ở CTCP Địa ốc Viễn Đông từ tay 2 DN, ông Nguyễn Sơn phát hiện có trên 2 triệu cổ phần trị giá hơn 54 tỷ đồng, không hề tồn tại.
Ngày 20/1/2011, ông Nguyễn Sơn, ở quận 1, TP HCM, mua lại 5.065.252 cổ phần phổ thông thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam trong Công ty địa ốc Viễn Đông (VDL), với giá 32.585 đồng một cổ phần. Tổng giá trị chuyển nhượng hơn 165 tỷ đồng.
Cùng ngày, ông Sơn ký thêm hợp đồng chuyển nhượng với Công ty tư vấn đầu tư và chuyển giao công nghệ Viễn Đông (VDC). Doanh nghiệp này chuyển toàn bộ 1,98 triệu cổ phần đang sở hữu tại VDL sang cho ông Sơn, với mức giá 12.600 đồng.
2 tháng sau, ông Sơn chuyển cho VDC 82,5 tỷ đồng và 12,47 tỷ đồng cho Trung Nam, phần còn lại do Ngân hàng cổ phần Phương Tây bảo lãnh thanh toán.
Ông Nguyễn Sơn kiện 2 công ty này đã bán những tài sản không có thực cho ông
Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra định kỳ, Ban kiểm soát Công ty cổ phần địa ốc Viễn Đông phát hiện số cổ phần hợp pháp mà Trung Nam lẫn VDC sở hữu thực tế sai lệch với con số ghi trong hợp đồng chuyển nhượng với ông Sơn. Cụ thể, tới ngày 20/1, VDC chỉ nắm 696.859 cổ phần VDL, chứ không phải 1.980.000, Trung Nam chỉ sở hữu 3.571.821 cổ phần VDL, ít hơn nhiều so với mức bán cho ông Sơn (5.065.252). Như vậy, ông đã mua khống hơn 2,77 triệu cổ phần VDL, trị giá hơn 54 tỷ đồng.
Sau khi nắm thông tin, ông Sơn từ chối thanh toán tiếp phần còn lại cho 2 công ty này vì đã trả 50% giá trị hợp đồng và đề nghị 3 bên cùng ngồi lại giải quyết nhưng bất thành.
Cho rằng mình đã bị lừa, ngày 18/1/2012, ông Sơn kiện cả 2 công ty này ra tòa án quận Phú Nhuận, với lý do đã bán cho ông những tài sản không có thật, không trung thực ngay từ đầu khi chuyển nhượng cổ phần cho ông.
Phía Công ty cổ phần địa ốc Viễn Đông cũng đã có văn bản yêu cầu VDC và Trung Nam cùng hợp tác để xác định chính xác số cổ phần sở hữu tại thời điểm ký hợp đồng với ông Sơn, tiến tới điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đúng luật.
Trước khi sự việc được ngã ngũ, VDL chưa cấp sổ cổ đông cho ông Nguyễn Sơn vì hồ sơ chuyển nhượng cổ phần có nhiều sai phạm, và cũng chưa xác định chính xác số cổ phần ông Sơn sở hữu hợp pháp. Các bên cũng chưa cùng ngồi giải quyết những vướng mắc này nên chưa có dịp đối chiếu các số liệu, cũng như giải trình tại sao lại có sự chênh lệch về số cổ phần chuyển nhượng.
Vụ việc chưa giải quyết rõ ràng thì đầu tháng 2, Trung Nam đăng thông báo bán khoản nợ đang phải thu hồi đối với Ngân hàng cổ phần Phương Tây - Sở giao dịch Cần Thơ - đơn vị đứng ra bảo lãnh thanh toán cho ông Nguyễn Sơn. Theo đó, Trung Nam rao giá 86,23 tỷ cho khoản nợ gốc 90,77 tỷ đồng, chưa kể nợ tiền lãi mà nhà băng này phải trả là 0,04% một ngày.
Phát hiện mẫu quảng cáo rao bán nợ này, phía đơn vị bảo lãnh - Ngân hàng cổ phần Phương Tây vừa chính thức có công văn phản hồi. Nhà băng này sau khi xác minh đã phát hiện VDC chỉ nắm giữ tối đa 1,8 triệu cổ phiếu VDL và Trung Nam sở hữu 4,6 triệu cổ phiếu VDL, căn cứ theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của VDL sửa đổi lẩn 3, lần 4 do Sở Kế hoạch đầu tư Đà Nẵng cấp. "Khiếu nại của ông Nguyễn Sơn là có cơ sở vì tại thời điểm ký hợp đồng, VDC và Trung Nam đã bán một lượng lớn cổ phiếu mà họ không sở hữu", công văn nêu rõ.
Vì hợp đồng chuyển nhượng đang tranh chấp và khởi kiện ra tòa, hợp đồng chưa hoàn thành nên ngân hàng cho rằng chưa thể kết luận ông Sơn vi phạm trách nhiệm thanh toán. Do đó, trách nhiệm bảo lãnh của Ngân hàng Phương Tây chưa phát sinh.
Phía Trung Nam và VDC cho biết sẽ giải đáp các thắc mắc vào thời điểm thích hợp. Trong khi đó, Công ty cổ phần địa ốc Viễn Đông hiện chưa niêm yết trên sàn, mọi chuyển nhượng cổ phần thông qua văn phòng Hội đồng quản trị.
Theo VNE