Nếu những kiến trúc sư của FLC đã tạo nên hệ thống “mạng nhện” công ty có vốn “khủng” hàng nghìn tỷ, thì cũng cần “vẽ” thêm các công trình có diện mạo hoành tráng, “lộng lẫy” tương xứng. Và tiền tiếp tục được “hút” thêm từ kênh ngân hàng, người mua nhà, cổ đông… để quay vòng sử dụng trong những “vũ điệu” điều chuyển vốn tài tình.
FLC đã huy động được 2.735 tỷ đồng từ vay các ngân hàng để "đổ" vào thi công hàng loạt dự án bất động sản ven biển
Chiêu “mượn” vốn ngân hàng
Sau thời gian ngắn “vận công” tăng vốn, năm 2014, Công ty CP tập đoàn FLC (mã: FLC) xúc tiến kế hoạch “khuấy đảo” thị trường khi triển khai hàng loạt dự án bất động sản hoàng tráng tại Hà Nội, Thanh Hoá, Bình Định, Khánh Hoà… Khi ấy, trước sự hoài nghi về năng lực tài chính, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tuyên bố “chưa cần vay ngân hàng” dù FLC đã được Vietinbank cam kết “bơm” 20.000 tỷ đồng cho các dự án trong giai đoạn 2014-2020.
Theo tiết lộ của ông Quyết hồi tháng 2/2015, giá trị tài sản các dự án mà FLC đang triển khai được định giá lên tới 1,3 tỷ USD. Điều này khiến thị trường càng bán tín, bán nghi về khối tài sản tỷ đô của FLC, năng lực đầu tư bất động sản, vốn thực… hay chỉ là chiêu “đánh bóng tên tuổi”.
Từ cuối năm 2014, FLC đã triển khai, thi công các dự án lớn nhỏ ở nhiều nơi từ Bắc vào Nam, liên tục tổ chức các lễ khởi công, mở bán, khai trương rầm rộ để thu hút khách hàng, nhà đầu tư. Đi liền với mỗi dự án là nhiều tai tiếng như thi công chưa có giấy phép, xây dựng sai phép, phá rừng, chiếm đất…
Không chỉ tăng vốn “thần tốc” nhờ bán cổ phiếu, FLC còn thể hiện khả năng vay ngân hàng tài tình khi được BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Phương Đông… “bơm” vốn đầu tư bất động sản. FLC đã thế chấp bằng toàn bộ nguồn hình thành tài sản từ vốn vay và vốn tự có (dự án bất động sản, xe ôtô, máy bay… ).
Tính đến 30/6/2016, tổng dư nợ vay của FLC tại 9 ngân hàng tăng gấp đôi so với đầu năm, lên 2.735 tỷ đồng, mà chủ yếu hơn 2.280 tỷ đồng là nợ vay dài hạn. Số tiền đã “bơm” ra chiếm tới 74% tổng hạn mức tín dụng mà các ngân hàng đã duyệt cho FLC (gần 3.690 tỷ đồng).
Nhưng tiền vay ngân hàng “chẳng bõ bèn gì” so với nhu cầu vốn lên tới 22.000 tỷ đồng của hàng loạt dự án lớn của FLC, nổi bật là: khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn – Thanh Hoá (tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng), khu du lịch FLC Quy Nhơn – Bình Định (7.000 tỷ đồng), dự án FLC Twin Tower (3.500 tỷ đồng)…
Sự hậu thuẫn vốn của các ngân hàng đã giúp FLC đảm bảo nguồn tài chính, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án bất động sản. Và từ khi thương hiệu của ngân hàng gắn với các dự án của FLC thì hoạt động kinh doanh bán hàng cũng “phất” lên, thu về hàng nghìn tỷ đồng.
Bơm vốn “thần tốc”
Mặc dù cam kết tài trợ tới 20.000 tỷ đồng cho FLC, nhưng đến tận tháng 3/2015, Vietcombank mới duyệt cho vay, giải ngân 809 tỷ đồng để thi công dự án FLC Samson Golflink và dự án khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn. Thời hạn vay tới 72 tháng (6 năm, ân hạn 18 tháng) với lãi suất kỳ đầu tiên là 11%/năm… Số tiền vay này chỉ đáp ứng 15% tổng mức đầu tư tới 5.500 tỷ đồng của dự án FLC Sầm Sơn.
Chỉ trong vòng 7 tháng, BIDV đã “bơm” cho FLC hơn 1.520 tỷ đồng để đầu tư dự án FLC Quy Nhơn, trong khi FLC vẫn dư thừa vốn để đi uỷ thác đầu tư lòng vòng
Đến tháng 11/2015, FLC tiếp tục được hai ngân hàng tài trợ vốn đầu tư dài hạn, cụ thể, BIDV cấp hạn mức 1.535 tỷ đồng (đầu năm 2016 đã điều chỉnh lên 1.840 tỷ đồng) và Vietcombank cấp hạn mức 1.065 tỷ đồng.
Trong đó, BIDV cho vay để đầu tư dự án khu du lịch FLC Nhơn Lý- Bình Định với lãi suất 9,8%/năm kỳ đầu, thời hạn vay tới 16 năm và ân hạn 2 năm. Chỉ trong vòng 7 tháng, BIDV đã giải ngân tiền ồ ạt cho FLC với dư nợ hơn 1.520 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 6/2016).
Một điểm lưu ý, với tỷ lệ tài trợ tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo, theo tính toán, BIDV đã thẩm định, định giá khối tài sản bảo đảm “hình thành trong tương lai và vốn tự có” của FLC tại dự án FLC Quy Nhơn lên tới 2.628 tỷ đồng. Con số này vẫn còn cách khá xa so với số tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 3.500 tỷ đồng mà FLC đã “nổ” trước đó.
Còn Vietcombank duyệt cho FLC hạn mức tín dụng tổng cộng là 1.065 tỷ đồng (thời hạn 48 tháng và 60 tháng) cho dự án cao ốc 265 Cầu Giấy (Hà Nội), lãi suất cố định 8%/năm. Song nhà băng này giải ngân rất “đủng đỉnh”, chỉ rót 15 tỷ đồng trong 6 tháng qua với dư nợ hiện đạt hơn 70 tỷ đồng. Với số tiền này, FLC khó có thể làm dự án nghìn tỷ, nếu không xoay sở từ các nguồn vốn khác…
“Van điều tiết” dòng tiền ?
Quan sát diễn biến dòng tiền của FLC và các đơn vị thành viên sẽ thấy nhiều điểm kỳ lạ đến mức khó tin, nhưng lại có thật.
Như Thương Gia Online đã đề cập, nhóm cổ đông đến từ FLC đã góp vốn vào Công ty CP Xây dựng Faros và nhanh chóng “thổi” vốn điều lệ lên 4.300 tỷ đồng nhờ phát hành cổ phiếu. FLC đã giao cho Faros làm tổng thầu thi công nhiều dự án trọng điểm của tập đoàn, ưu ái thanh toán, tạm ứng vốn…
Thông qua nhà thầu “ruột” Faros, FLC đã tạm ứng 1.149 tỷ đồng (số liệu sau đối trừ còn lại 1.033 tỷ đồng) cho Faros trong năm 2014-2015 để thi công hai dự án FLC Samson Golf Link – Thanh Hoá và FLC Quy Nhơn. Đến ngày 30/6/2016, số tiền tạm ứng cho Faros giảm còn hơn 995,7 tỷ đồng.
Thế nhưng, thay vì đổ tiền vào công trình, Faros lại đem tiền nhàn rỗi đi uỷ thác đầu tư 3.332,6 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2015) để nhận về lợi tức chỉ từ 0% đến 8%/năm. Tiền uỷ thác cho các cá nhân mà sau đó, chính những người này lại chi ra hàng nghìn tỷ để “ôm” cổ phiếu tăng vốn của FLC.
Bản thân FLC cũng “rủng rỉnh” vốn, đem cho cá nhân, tổ chức vay lại (uỷ thác) với lãi suất thấp chỉ từ 5-6%/năm, trong khi công ty này phải “cắn răng” đi vay ngân hàng với lãi suất 8-11%/năm để có tiền làm dự án.
Câu hỏi đặt ra là vì sao FLC chấp nhận chịu thiệt thòi trong các giao dịch tài chính với bên liên quan?
Thử xem xét 1 khoản vay nhỏ ở ngân hàng Phương Đông- OCB, vào tháng 8/2015, OCB cấp hạn mức tín dụng 180 tỷ đồng cho FLC, vay 36 tháng. Dư nợ vay đến cuối tháng 6 năm nay tăng lên 216 tỷ đồng, vượt hạn mức tín dụng.
Trong 6 tháng qua, FLC đã trả nợ cho OCB được gần 73,45 tỷ đồng, ngay sau đó lại vay lại gần 71,8 tỷ đồng và không trả được đồng nào nợ dài hạn… Đây thực chất là món vay “đảo nợ” ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp đã vận dụng khi chưa cân đối được tiền trả nợ.
Thực tế, FLC đã thực hiện “trơn tru” những giao dịch vay vốn- trả nợ- vay ngân hàng trong hơn một năm gần đây. Trong 6 tháng đầu năm 2016, FLC đã vay thêm được 1.776 tỷ đồng từ các ngân hàng, nhưng cũng đem trả nợ lại ngân hàng 439 tỷ đồng, bằng khoảng 25% số tiền vay được.
Như vậy, lưu chuyển dòng tiền vẫn dương nhưng lượng tiền vay ngân hàng đổ vào dự án của FLC đã bị thiếu hụt khoảng 25% số tiền cần giải ngân theo đúng mục đích vay vốn. Khi dòng tiền liên tục “bơm-hút” nhịp nhàng, thì công ty vẫn cân đối được tiền để trả nợ, thi công dự án, tăng vốn…
Sự thiếu hụt vốn này đã được FLC “bù đắp” bằng nguồn nào, trong số các nguồn tiền từ phát hành thêm cổ phiếu, nhận uỷ thác vốn, tiền thu từ người mua nhà hay tiền vay “đảo nợ” ngân hàng…?
Theo thuonggiaonline.vn