Chị Thanh Xuân chia sẻ, dù rất lười nấu nướng nhưng mỗi ngày, nhìn thấy con ăn rất hào hứng và thích thú với món mẹ nấu. chị lại có thêm động lực để vào bếp.
Không chỉ giúp con có một bữa ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng, chị Thanh Xuân (TP HCM) còn cố gắng tạo nên sự cuốn hút, hấp dẫn trong cách trang trí cho từng món. Bà mẹ trẻ trước đây đã từng làm cho một đơn vị báo chí và truyền thông nhưng từ khi sinh con, chị nghỉ hẳn ở nhà để toàn tâm chăm sóc con.
Từ khi mang thai, chị Thanh Xuân thích đọc sách nghiên cứu về các vấn đề ở trẻ em và đặc biệt là việc ăn uống, dinh dưỡng dành cho trẻ. Nhờ vậy, dù lười nấu nướng, ngại vào bếp nhưng nhìn con ăn ngon mỗi ngày, chị Xuân lại có thêm động lực tìm món mới, vắt óc suy nghĩ, sáng tạo cho bữa ăn của con ngon hơn từng ngày.
Chị Thanh Xuân dành nhiều thời gian chế biến đồ ăn cho con.
Cùng trò chuyện với bà mẹ trẻ đảm đang này để có thêm thật nhiều kinh nghiệm giúp con ăn ngon:
- Chào chị, chị có thể chia sẻ những phương pháp mà chị đã áp dụng cho con khi ăn dặm?
- Thật ra từ lúc ban đầu, mình rất loay hoay trong việc chọn phương pháp ăn dặm cho con. Sau này mình quyết định kết hợp nhiều phương pháp như ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật, BLW và cả Puree. Thật may mắn là mình đã chọn phương pháp thích hợp cho bé ở từng thời điểm phát triển.
Trộm vía bé rất hợp tác với mẹ và hào hứng mỗi khi tới bữa ăn. Bí quyết của mình thật ra chỉ đơn giản đó là "bản năng làm mẹ". Mình và chồng ở riêng từ khi mới cưới. Bố mẹ hai bên đều ở xa, nên mọi việc do mình tự chọn và quyết định. Mình may mắn luôn được cả nội và ngoại ủng hộ cho việc chăm con, trao cho mình toàn quyền nuôi dưỡng bé. Có điều gì tốt hoặc ông bà cảm thấy cần thiết mới góp ý và tất nhiên vẫn tôn trọng ý kiến của mình. Nhờ có vậy mình tự tin hẳn trong việc chăm con, đặc biệt là vấn đề khiến nhiều mẹ khá đau đầu đó là "ăn dặm".
Do đó trong những ngày đầu tập ăn cho bé, mình đã học theo các mẹ Tây đó là ăn Puree, tức là xay nhuyễn rau củ quả, tinh bột và tập ăn riêng từng món trong 2-3 ngày liền. Mục đích là theo dõi bé dị ứng món nào hay không và biết được bé thích và không thích món nào. Sau này khi bé đã ăn quen được 1 tháng đầu, mình bắt đầu tập cho bé ăn kết hợp các rau củ quả với nhau và dần dần tập ăn thịt/cá, chất đạm, chất béo theo tháng tuổi phù hợp của con. Lúc này mình lại chuyển về ăn dặm truyền thống. Hiện tại thì mình kết hợp 2 phương pháp là ăn dặm kiểu Nhật và BLW.
Bé rất hào hứng hợp tác khi ăn dặm.
Chị Thanh Xuân kết hợp nhiều phương pháp cho con.
- Để con hào hứng và đảm bảo dinh dưỡng, chị có bí quyết gì?
- Mình tìm hiểu kỹ thì mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm. Quan trọng là mình tận dụng được ưu điểm và giảm bớt nhược điểm của phương pháp đó. Ăn dặm truyền thống đảm bảo dinh dưỡng. Ăn dặm kiểu Nhật và BLW giúp con ăn thô tốt hơn, thích thú khám phá bữa ăn. Có lẽ bé mình hào hứng hơn từ khi mình nấu nhiều món và ngồi ăn chung với con, tập cho con cầm nắm cũng như động viên con ăn uống.
Mỗi bữa ăn giữa hai mẹ con mình đều diễn ra rất tự nhiên và vui vẻ. Dù con có ăn tốt hay biếng ăn hôm đó, nhưng với mình việc con đã chịu ngồi vào ghế và quan sát mẹ ăn cũng đã là một thành công rồi.
Ngoài ra trình bày đẹp mắt, lựa chọn thực phẩm nhiều màu sắc cũng là một yếu tố giúp bé thích thú hơn. Ngay cả người lớn mình cũng còn thích được ăn một bữa ăn nhiều món ngon được bày biện trên những chén bát đẹp thì bé cũng vậy chỉ khác là bé chưa biết nói ra "mẹ ơi, con thích thế này" mà chỉ phản ứng bằng cách không ăn và đòi ra khỏi ghế mà thôi.
- Chị có đặt ra nguyên tắc gì khi cho con ăn dặm?
- Nguyên tắc của mình đó là "linh hoạt trước mọi tình huống nhưng vẫn giữ lập trường". Lập trường của mình ở đây là tập cho con ngồi ghế ăn, không bế đi rong. Cho con ăn nhạt. Không nhồi nhét khi con ngậm miệng hoặc quay mặt đi từ chối ăn... Nhưng mình linh hoạt ở chỗ: những khi bé ốm, mọc răng mình sẽ "nới lỏng" một tí. Bế con ra vỗ về con, cho con cảm thấy việc ăn không là điều gì đó mệt nhọc hay ép buộc.
Hoặc khi bé chán ăn mình cũng làm những món lạ miệng thay đổi khẩu vị. Chịu khó trang trí bắt mắt hơn. Hoặc mẹ làm trò vui cho con để con hào hứng trở lại. Tất nhiên việc này không thường xuyên vì con sẽ quen nếp và mất những thói quen tốt mẹ đã rèn bấy lâu.
Chị Thanh Xuân bên bé Bơ.
Bố bên con trai nhỏ.
- Làm thế nào để chị cân bằng các nhóm thực phẩm giúp con cân bằng đường ruột?
- Việc cân bằng các nhóm thực phẩm là điều mình luôn nghĩ tới mỗi khi chế biến đồ ăn cho con. Mình luôn cố gắng thay đổi món thường xuyên, đảm bảo các nhóm chất dinh dưỡng như: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và các khoáng chất.
Bé nhà mình không gặp vấn đề về đường ruột, có lẽ do mình bổ sung rau và trái cây cho bé thường xuyên và mình nghĩ một phần do cơ địa của từng bé. Nhưng tựu chung việc tập ăn nhiều rau và trái cây sẽ giúp bé có chế độ ăn uống lành mạnh từ nhỏ.
- Con đã phát triển được kỹ năng gì sau một thời gian ăn dặm?
- Điều mà mình vui nhất trong quá trình quan sát con ăn dặm đó chính là việc bé tiến bộ từng ngày. Từ những buổi đầu tiên còn chưa biết cách nuốt đồ ăn đến khi học nhai, ăn đồ thô và đến giờ là thích thú bốc thức ăn cho vào miệng. Mỗi lần đến giờ ăn mình cảm giác bé hiểu là phải ngồi ghế và luôn ngóng vào bếp xem mẹ hôm nay sẽ bưng mâm thức ăn gồm những món gì, có món nào cu cậu thích hay không.
Kỹ năng quan trọng nhất mình thấy được chính là việc bé coi ăn uống là niềm vui. Có lẽ bé cũng có 1 xíu gen hứng thú với ẩm thực như mẹ chăng?
- Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm chế biến đồ ăn của mình?
- Đối với thịt/cá (chất đạm nói chung): mình thường mua về rửa sạch chia nhỏ trữ đông. Tuy nhiên chỉ nên ăn trong 4-5 ngày trở lại để đảm bảo an toàn thực phẩm cho bé. Hoặc hôm nào nhà mua được món gì tươi ngon mình đều làm liền để bé ăn tươi nhất có thể.
Về cách rã đông có hai cách mình vẫn hay làm đó là bỏ xuống ngăn mát vào tối hôm trước, để rã đông tự nhiên trong ngăn mát hoặc rã đông bằng lò vi sóng. Khi rã đông bằng lò vi sóng thì phải chế biến liền. Tủ lạnh thì các mẹ thường xuyên lau chùi sạch sẽ, nên để thực phẩm chín và sống riêng, cho vào hộp đóng nắp hoặc túi zip khoá lại. Nếu có điều kiện nên để đồ ăn của bé ở ngăn lạnh riêng.
Đối với rau, củ, quả: hôm nay nhà ăn gì thì mình sẽ chế biến cho bé loại đó. Theo mình rau củ tươi vẫn là ngon nhất. Sáng dậy nên đặt sẵn nồi cháo trắng, chia ra từng phần riêng để mỗi khi nấu cho thịt/cá/rau/củ tuỳ ý vào bắc lên bếp nấu sau.
Phần chưa nấu nên bỏ tủ mát và đậy nắp kỹ. Chỉ nên ăn trong ngày để đảm bảo an toàn cho con. Hiện tại mình áp dụng cách này thì thấy việc chế biến rất nhàn và tiết kiệm thời gian. Thực phẩm vẫn giữ được độ tươi ngon mà lại bảo toàn chất dinh dưỡng.
- Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm hữu ích.
Tham khảo thực đơn ăn dặm vô cùng đẹp mắt và ngon miệng chị Thanh Xuân chế biến cho con:
Mỹ Anh (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi