Sự kiện hot
12 năm trước

Mở hơn điều kiện nhập cư vào thủ đô

Sáng 26.10, Dự thảo Luật Thủ đô được Bộ Tư pháp trình bày trước Quốc hội, trong đó, nội dung quản lý dân cư được đông đảo dư luận quan tâm.

Sáng 26.10, Dự thảo Luật Thủ đô được Bộ Tư pháp trình bày trước Quốc hội, trong đó, nội dung quản lý dân cư được đông đảo dư luận quan tâm.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, để kiểm soát dân cư trong nội thành Hà Nội một cách phù hợp thì cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là các giải pháp về kinh tế - xã hội. Kiểm soát dân cư ở nội thành bằng biện pháp hành chính tuy chưa phải giải pháp tối ưu, nhưng cần thiết để bảo đảm quy mô, mật độ dân cư theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô.


Nhiều ý kiến cho rằng không nên siết chặt điều kiện nhập cư vào thủ đô.
(Ảnh chụp người lao động ngoại tỉnh tại khu đô thị Bắc Thăng Long, Hà Nội)

Do đó, Dự thảo Luật đề ra 2 phương án, trong đó phương án 1 ít hạn chế hơn và phương án 2 đưa ra điều kiện cao hơn. Phương án 1 giữ nguyên các trường hợp và điều kiện đăng ký thường trú như quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 20 Luật Cư trú hiện hành.

Riêng đối với khoản 1 Điều 20 thì phương án này có các điểm khác sau đây: Phạm vi áp dụng chỉ ở nội thành; loại trừ chỗ ở do mượn hoặc ở nhờ của cá nhân; chỗ ở do thuê thì phải là thuê của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; Tăng thời gian tạm trú liên tục từ 1 năm lên từ 3 năm trở lên; bổ sung quy định nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

Thẩm tra dự thảo luật, với vấn đề này, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc quy định điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn đối với một số đối tượng tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư, nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm dãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành. Do đó, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án 1 quy định về điều kiện đăng ký thường trú (nhập hộ khẩu) của công dân ở nội thành Hà Nội.

Sơ bộ tính toán theo số liệu tăng dân số đã báo cáo cho thấy, nếu theo phương án 1 thì khi Luật Thủ đô có hiệu lực, mỗi năm số người đăng ký thường trú vào nội thành sẽ giảm khoảng 28% (14.000/50.000 người); còn theo phương án 2 thì giảm khoảng 38% (19.100/50.000 người). Kể từ khi Luật Cư trú có hiệu lực, mỗi năm trung bình có khoảng 50.000 người đăng ký thường trú vào nội thành (so với trước đây khoảng 15.000 người/năm thì tăng hơn gấp 3 lần).

Kiều Minh
theo Dân Việt

Từ khóa: