Sự kiện hot
6 năm trước

'Mở lon Việt Nam' không trái thuần phong mĩ tục, nhưng tối nghĩa và không chính xác

Phó giám đốc một công ty luật nhận định cụm từ 'mở lon Việt Nam" không chính xác và tối nghĩa, dù không có từ nào trái thuần phong mĩ tục Việt Nam

Phó giám đốc một công ty luật nhận định cụm từ 'mở lon Việt Nam" không chính xác và tối nghĩa, dù không có từ nào trái thuần phong mĩ tục Việt Nam.

Việc Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, Coca-Cola Việt Nam sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam" trong thông điệp quảng cáo vi phạm Luật quảng cáo, không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo, thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam đang gây nên các ý kiến trái chiều trong dư luận.

Bàn về sự việc, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng- Phó giám đốc hãng Luật TGS - nói rằng khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 cấm quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. 

Khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012 cũng quy định: "Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo".

molon vietnam

Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, nếu xem xét với tư cách là cụm từ độc lập thì "mở lon Việt Nam" là một khẩu hiệu không chuẩn mực, không chính xác và tối nghĩa.

Đối chiếu với các quy định này, luật sư Hùng cho rằng cụm từ "mở lon Việt Nam" không có từ ngữ, hoặc ý nghĩa nào là thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu xem xét với tư cách là cụm từ độc lập thì "mở lon Việt Nam" là một khẩu hiệu không chuẩn mực, không chính xác và tối nghĩa. 

"Việt Nam là tên gọi của một quốc gia, không phải là một sản phẩm có thể gắn với từ 'lon'. Đồng thời, việc Coca-Cola ghép từ "mở lon" với từ "Việt Nam" cũng có thể gây phản cảm, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước, tinh thần dân tộc của người Việt Nam", ông Hùng nói.

Vị luật sư nhận định qua vụ việc của Coca-Cola, các doanh nghiệp cần thận trọng khi sử dụng hình ảnh, tên gọi hay các biểu thượng của một dân tộc, quốc gia trong các sản phẩm quảng cáo, để vừa truyền đạt thành công các thông điệp quảng cáo nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng đối với quốc gia và dân tộc, tránh gây ra những hiểu lầm đáng tiếc.

3869e4f6f4e810b649f9

Luật sư Nguyễn Đức Hùng- Phó giám đốc hãng Luật TGS. Ảnh: NVCC

Chiều 29/6, trao đổi với Nhadautu.vn, bà Vũ Thanh Trúc, Trưởng phòng Đối Ngoại và Phát triển bền vững Coca-Cola khu vực Đông Dương cho biết Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã có văn bản phúc đáp về công văn của Bộ VH,TT&DL đối với chương trình khuyến mại sản phẩm của Coca-Cola.

Theo đó, liên quan đến sự việc nội dung quảng cáo có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam" trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo khác vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo về tính phù hợp thuần phong mỹ tục, Công ty này tiếp nhận ý kiến chỉ đạo từ Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH,TT&DL).

Theo bà Vũ Thanh Trúc, chương trình khuyến mãi với thông điệp ban đầu được thiết kế chỉ nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức xem mã khuyến mãi dưới nắp sản phẩm Coca-Cola và đã không xét đến các yếu tố ngữ văn khác trong cụm từ.

"Công ty trân trọng ý kiến chỉ đạo của Cục Văn hoá cơ sở và đã nhanh chóng làm việc cùng các bộ phận liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp, nhanh chóng, đảm bảo tính tuân thủ cao trong các nội dung quảng cáo sản phẩm của mình", đại diện Coca-Cola khẳng định.

Cũng theo bà Trúc, ngay sau khi nhận được công văn từ Cục Văn hoá cơ sở, công ty nhanh chóng thay đổi cụm từ "Mở lon Việt Nam" thành "Cơ hội trúng vàng mỗi ngày" cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác.

Luân Thường
Theo Vietnambiz

Từ khóa: