Sự kiện hot
5 năm trước

Mộc Châu, Sơn La: Nét đẹp văn hóa thưởng trà trên cao nguyên

Cao nguyên Mộc Châu (tỉnh Sơn La) là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển. Các sản phẩm từ cây chè không chỉ cung cấp nguyên liệu cho những sản phẩm chè xanh trứ danh, đem lại nguồn kinh tế lớn cho người dân, mà còn là một nét văn hóa độc đáo, riêng có ở núi rừng Tây Bắc đang từng bước khẳng định vị trí trong nước và quốc tế.

Đồi chè trên cao nguyên Mộc Châu
Đồi chè trên cao nguyên Mộc Châu

Uống trà từ lâu đã là nét truyền thống văn hóa lâu đời, không thể thiếu trong các gia đình người Việt. Trong đó, văn hóa trà Mộc Châu mang nhiều nét độc đáo, nổi bật và ghi dấu ấn riêng. Nét văn hóa ấy hoà cùng không gian văn hóa các dân tộc Mộc Châu gắn với hình ảnh những cô gái dân tộc thiểu số cần cù, khéo léo. Khi pha trà họ đặt cả tâm tư, tình cảm và sự tỉ mỉ, khéo léo vào ấm trà. Cách pha trà của các cô gái ấy không cầu kỳ mà lại mộc mạc, chân thành nhưng cũng đầy tinh tế như chính những con người vùng đất cao nguyên.

Đến Mộc Châu, du khách không những được trải nghiệm, thưởng ngoạn những danh thắng thiên nhiên ban tặng mà còn có thể được tìm hiểu thêm về các loại chè phong phú đa dạng của Mộc Châu như: Bạch trà Trăm năm, trà Oolong thượng hạng, Bạch Trà Nén… và đặc biệt là đặc sản chè Shan Tuyết. Mỗi loại chè được sản xuất theo công nghệ khác nhau, mang đến cho người thưởng thức những hương vị riêng có.

Lễ hội trà trên cao nguyên Mộc Châu
Đồi chè trên cao nguyên Mộc Châu

Hằng năm cứ sau vụ Đông xuân, người nông dân trồng chè tại Mộc Châu thường làm công việc đốn chè (cắt cành chè già) để chờ vụ sau (vụ xuân hè) sẽ có chè búp mới. Thời điểm tháng 3 và tháng 4 hàng năm khi các búp chè non đâm chồi, cũng là lúc đồi chè ở Mộc Châu được thay màu áo mới, màu xanh non dễ chịu. Đây cũng là thời điểm đồi chè ở Mộc Châu đẹp nhất, thời gian thích hợp để ngắm đồi chè Mộc Châu là vào thời khắc bình minh và hoàng hôn.

Cùng thời điểm này sẽ diễn ra Ngày Hội trà trên cao nguyên Mộc Châu, đây vừa là dịp giới thiệu, quảng bá sản phẩm trà Mộc Châu vừa tôn vinh, tạo cơ hội để những người sản xuất, kinh doanh chè được giao lưu, học hỏi; đồng thời cũng là dịp để du khách đến Mộc Châu có kỷ niệm đẹp khi đứng giữa không gian bao la của đất trời cao nguyên, tìm hiểu nghệ thuật pha trà, thưởng thức một ly trà ngon để cảm nhận được hết cái tinh túy của đất trời chắt lọc trong mỗi chén trà.

Theo các nghệ nhân pha trà nơi đây, búp chè là nguồn nguyên liệu khởi đầu cho quá trình chế biến thành công sản phẩm chè ngon. Chính vì vậy, yêu cầu kỹ thuật đối với người làm chè là hái chè phải đảm bảo 1 tôm với 2 đến 3 lá non. Người hái chè giỏi, vừa hái vừa phải tạo tán để điều tiết sinh trưởng của cây chè, đồng thời đảm bảo được năng suất, chất lượng búp cho lứa tiếp theo. Để có một ấm trà ngon, trước tiên phải lưu ý đến các bước: nhất thủy, nhị trà, tam pha, tứ bình, ngũ quần anh.

Cây chè được trồng tại Mộc Châu từ năm 1958, đến nay trên địa bàn huyện Mộc Châu đã có trên 1.800 ha, sản lượng hàng năm đạt 23.000 tấn chè tươi. Chè Mộc Châu được sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và giữ được hương vị đặc trưng, riêng có nên không chỉ được khách hàng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu đi nhiều nước như: Nhật Bản, Đài Loan, Pakistan và Afghanistan... Những đồi chè trải dài bất tận vào vụ chè xuân với màu xanh mỡ màng, sức sống mãnh liệt luôn là điểm thu hút du khách. Mỗi khi có dịp đến với Mộc Châu, tận hưởng làn gió cao nguyên nhẹ nhàng và thưởng thức một ly trà giữa cao nguyên bạt ngàn, khiến cho du khách không khỏi say mê, tận hưởng.

Tổng Công ty Chè Việt Nam - Vinatea hiện đang là nhà sản xuất có quy mô và địa bàn hoạt động lớn nhất ngành chè tại Việt Nam với tổng diện tích trồng chè gần 4.700 ha, các vườn chè năng suất cao, chất lượng tốt, các nhà máy chế biến hiện đại, hệ thống phụ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh hoàn chỉnh cùng đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ chuyên môn và tay nghề cao. Tổng sản lượng tiêu thụ của Vinatea ước đạt hơn 10.000 tấn/năm, trong đó, vùng nguyên liệu Mộc Châu đóng góp sản lượng trên 3.000 tấn/năm. Dự kiến sản lượng trong các năm tới sẽ tiếp tục tăng do Vinatea mở rộng mảng chè thương mại và đẩy mạnh khai thác các vùng nguyên liệu chè mới. Theo kế hoạch, Vinatea sẽ phát triển ngành trà thành tổ hợp sản phẩm nông nghiệp - ẩm thực - văn hóa - du lịch, đồng thời nâng cao vị thế của doanh nghiệp quan trọng nhất và lâu năm nhất của ngành chè Việt Nam.

Dinh Dinh

Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: