Lựa chọn Yoga với mong muốn giảm cân, giải tỏa căng thăng, mệt mỏi, nâng cao sức khỏe và trẻ đẹp hơn mỗi ngày, thế nhưng nếu sử dụng thảm yoga bẩn, giá rẻ kém chất lượng có thể khiến người tập mắc các căn bệnh nguy hiểm.
Yoga là môn vận động đem lại khá nhiều lợi ích về sức khỏe, vóc dáng, sắc đẹp và cả tinh thần cho người tập luyện và thảm yoga là một vật dụng không thể thiếu cho người tập. Thảm yoga giúp cho người tập thoải mái thực hiện động tác hơn nhưng lại rất dễ bám bẩn từ đất, từ cơ thể và mồ hôi của người tập. Song nếu sử dụng thảm yoga bẩn có thể làm người tập khó chịu hay gây cơn ngứa ngáy, nổi mụn nhọt. Theo các chuyên gia, những chiếc thảm yoga bẩn có thể mang theo siêu vi khuẩn truyền nhiễm, có thể gây ra vết loét lạnh quanh miệng. Khi da tiếp xúc với một tấm thảm yoga sử dụng nhiều ngày, có chứa vi trùng và vi khuẩn sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng da, mụn trứng cá, nấm móng chân và thậm chí gây bệnh mụn rộp và nhiễm tụ cầu khuẩn hay liên cầu khuẩn.
Bên cạnh mối nguy hiểm từ thảm bẩn thì những loại thảm giả rẻ, kém chất lượng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vào năm ngoái, theo danh mục sản phẩm bị thu hồi RAPEX của Liên Minh Châu Âu (EU), cơ quan chức năng bảo vệ người tiêu dùng tại Đức đã thu hồi hàng loạt sản phẩm thảm tập Yoga Trung Quốc do phát hiện hóa chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến người sử dụng. Loại thảm này được cho là chứa chất độc nhất clo parafin chuỗi ngắn (SCCPs), hàm lượng đo được cao nhất lên đến 6,9% trọng lượng sản phẩm. Trong danh sách bị cảnh báo, hàng loạt nhãn hiệu xuất xứ từ Trung Quốc như:Abilica, Kettler, X-fact đều chứa độc chất SCCPs, một trong những hóa chất nằm trong danh sách các chất cấm lưu hành trên thị trường. Mới đây, những thương hiệu này bị cơ quan chức năng bảo vệ người tiêu dùng tại Đức thu hồi.
Về nguyên tắc, chất này không thể gây nên tình trạng ngộ độc cấp tính. Tuy nhiên, có thể gây ra các biểu hiện kích thích về da, các bệnh về hô hấp như dị ứng, hen kích ứng, ngứa mắt khi tiếp xúc gần với chất SCCPs có trong thảm. Nếu người dùng hít phải SCCPs vào cơ thể, gặp các axít amin thì chúng có khả năng gây độc và lâu dài có thể gây bệnh. Theo các chuyên gia về dị ứng, miễn dịch lâm sàng, với những người có cơ địa dị ứng khi tiếp xúc với SCCPs, nhất là khi hít thở cận mặt thảm thì nguy cơ phát bệnh cao hơn. Bởi khi tập mồ hôi ra nhiều, lỗ chân lông nở to, chất độc SCCPs trong thảm xâm nhập qua da vào cơ thể dễ dàng hơn. Sau đó, chất này di chuyển theo đường máu tích tụ ở cơ quan nào đó với một lượng nhất định sẽ gây ung thư. Khi đã xâm nhập, SCCPs tồn tại bền vững trong cơ thể nên rất nguy hiểm.
Mới đây, theo các nhà nghiên cứu tại Mỹ, trong mẫu nước tiểu của hơn 80% phụ nữ đang điều trị vô sinh tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts có dấu vết của hóa chất PFRs. Và thảm tập yoga hiện nay được sử dụng rộng rãi lại lại có nhiều thành phần trên. Những phụ nữ có nồng độ chất hóa học này cao trong cơ thể, khả năng thụ thai giảm 40% so với người có nồng độ hợp chất này trong cơ thể thấp. PFRs được xem là chất chống cháy an toàn hơn hợp chất chống cháy phổ biến trước đây là PentaBDE, cho tới khi khoa học chứng minh được chất này tác động xấu tới con người. Ngoài thảm tập Yoga, loại hợp chất chống cháy trên thường được sử dụng trong các sản phẩm như ghế ô tô và ghế sofa. Tuy còn quá sớm để kết luận đây là chất gây ra vô sinh, nhưng các nhà nghiên cứu khuyến cáo người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hợp chất chống cháy.
Lợi ích của Yoga thì không thể phủ nhận. Trên thực tế, khi tập Yoga, có rất nhiều động tác khiến bạn phải tiếp xúc nhiều diện tích da với thảm tập, tỉ lệ thuận với điều đó là khả năng càng cao bạn đang tiếp xúc với mầm bệnh. Tuy nhiên, đa phần các loại vi khuẩn, vi rút này chỉ có khả năng gây bệnh khi hệ miễn dịch của bạn đang suy yếu.
Để hạn chế các nguy cơ này, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng chứng nhận về chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng không nên căn cứ vào giá để chọn thảm, nên chú ý chất liệu, độ đàn hồi, độ bằng phẳng, tính chống trơn của thảm. Về kích thước, trọng lượng thì thảm tập yoga đều đảm bảo tiêu chuẩn phù hợp cho người tập. Thảm làm từ chất liệu TPE có độ đàn hồi cao, độ bám dính chặt; khả năng co giãn, kéo giãn và chịu lực tốt. Còn thảm tập bằng chất liệu PVC, tập một thời gian thảm sẽ bị xẹp xuống, không còn đàn hồi, các hạt nhựa bong tróc ra; thảm dễ bám bẩn, khó vệ sinh và mùi nhựa rất nặng Ngoài ra, khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu mục nát thì không nên tiếp tục sử dụng. Với những người sử dụng thảm yoga thường xuyên mà có vấn đề về hô hấp như xoang, viêm mũi hoặc hay bị dị ứng với mùi, da mẫn cảm nên lựa chọn các sản phẩm thảm được chế tạo từ cao su tự nhiên, không chứa các hóa chất độc hại, an toàn hơn khi tiếp xúc với da.
Hồng Anh