Chiều ngày 29/3, Bộ công an đã quyết định bắt bổ sung 4 cá nhân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà".
Trong các đối tượng bị bắt có ông Trần Duy Tùng, con trai của ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Thành tích kinh doanh "khủng" của ông Trần Duy Tùng
Ông Trần Duy Tùng, sinh năm 1985, là con trai duy nhất của ông Trần Bắc Hà. Mặc dù còn khá trẻ nhưng ông Tùng đã sở hữu một sự nghiệp kinh doanh vào dạng "khủng" khiến nhiều người bất ngờ.
Theo đó, ông Tùng từng đảm nhiệm cương vị thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn vào tháng 7/2017. Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng nhận nhiêm vụ, đến ngày 22/9/2017, ông Tùng đã bất ngờ gửi đơn xin từ chức thành viên HĐQT Cảng Quy Nhơn sau khi xuất hiện tin đồn về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt.
Ngoài việc tham gia ban lãnh đạo của Cảng Quy Nhơn, ông Trần Duy Tùng còn đảm nhiệm chức vụ thành viên HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú .
Tập đoàn An Phú được ông Tùng thành lập vào năm 2007 (lúc mới chỉ 22 tuổi). Công ty có trụ sở số 1 đường Hàn Mặc Tử, Phường Ghềnh Ráng, Thành phố Quy Nhơn, Bình Định và có vốn điều lệ là 200 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, ông Trần Duy Tùng cũng đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH Souk Houng Hueng. Công ty được thành lập vào ngày 13/5/2014, có địa chỉ tại bản Xangkhu, huyện Xaythani, thành phố Viêng Chăn, Lào.
Souk Houng Hueng hoạt động trong lĩnh vực trồng cây ăn quả công nghệ cao dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào (AVIL). Hiệp hội này trước đây do ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch.
Ngoài ra, nhiều hoạt động khác của Souk Houng Hueng cũng có sự tham gia của ông Trần Bắc Hà với tư cách là Chủ tịch AVIL hoặc có liên quan đến BIDV dưới thời ông Hà còn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Đáng chú ý, cùng với BIDV và Ngân hàng Ngoại thương Lào Đại chúng (BCEL), Souk Houng Hueng đang là một trong ba cổ đông nắm giữ toàn bộ cổ phần tại Ngân hàng Lào - Việt (LaoVietBank - LVB). Cụ thể, Souk Houng Hueng đang sở hữu 10% cổ phần tại LaoVietBank; trong khi BIDV nắm 65% và BCEL sở hữu 25% vốn điều lệ.
Ngân hàng Liên doanh Lào Việt được thành lập ngày 22/6/1999 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào). Vốn điều lệ ban đầu của LaoVietBank là 10 triệu USD, trong đó tỉ lệ góp vốn của BIDV và Ngân hàng Ngoại thương Lào Đại chúng (BCEL) là 50/50.
Tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của LaoVietBank đạt trên 9.606 tỉ Kíp (tương đương gần 25.300 tỉ đồng) và đứng thứ tư trong danh sách những ngân hàng lớn nhất của Lào.
Mối quan hệ giữa ông Trần Duy Tùng, công ty Bình Hà và BIDV
Theo thông tin từ phía cơ quan công an, ông Trần Duy Tùng bị khởi tố do liên quan đến các sai phạm tại dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh do Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư .
Được biết, dự án chăn nuôi bò trên UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 4.200 tỉ đồng, triển khai trên diện tích 2.163 ha tại 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Dự án này được BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỉ đồng, đến đầu năm 2016 đã giải ngân trên 800 tỉ đồng dưới sự ủng hộ nhiệt tình của ông Trần Bắc Hà.
Sau khi được BIDV giải ngân vốn, Công ty Bình Hà đã xây dựng hàng loạt hệ thống chuồng trại, kho bãi trồng mấy trăm hecta cỏ để nuôi bò. Tuy nhiên, sau đó dự án này hoạt động không hiệu quả và bị người dân xung quanh khu vực cáo buộc gây ô nhiễm môi trường.
Trong năm 2016, dự án thua lỗ 200 tỉ đồng. Từ tháng 6/2017 đến nay, dự án này không nhập thêm bò và tính đến giữa năm 2018, số bò được chăn nuôi của dự án còn chưa đến 500 con.
Đáng chú ý, ban đầu dự án này được giới thiệu là "Dự án chăn nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), BIDV và Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú (công ty do ông Trần Duy Tùng là thành viên HĐQT kiêm người đại diện pháp luật)".
Theo đó, trước khi triển khai dự án, lãnh đạo của ba doanh nghiệp trên cũng nhiều lần làm việc với lãnh đạo Hà Tĩnh về dự án. Tại quyết định về việc thành lập tổ công tác liên ngành phối hợp khảo sát địa điểm và hướng dẫn xây dựng, triển khai dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng ghi là: "Dự án chăn nuôi bò thịt tại Hà Tĩnh của Công ty cổ phần Tập đoàn HAGL, BIDV và Công ty Cổ phần An Phú".
Kế hoạch là như vậy nhưng khi đến thời điểm thực hiện thì chủ đầu tư của dự án trên giấy tờ lại bất ngờ chuyển thành CTCP Chăn nuôi Bình Hà.
Đặc biệt, CTCP Chăn nuôi Bình Hà (trụ sở chính tại số 88 Phan Đình Phùng, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) được thành lập ngày 10/4/2015, chỉ khoảng 5 ngày trước khi được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo khảo sát thực hiện dự án nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh.
Trả lời phỏng vấn báo chí vào tháng 4/2016, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAGL khẳng định Tập đoàn không phải là cổ đông góp vốn và không có liên quan gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Bình Hà. HAGL chỉ hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn ban đầu cho doanh nghiệp này.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng, Vietnambiz