"Sau 10 năm thành lập, Tập đoàn Trần Thái đang hướng tới mục tiêu phát triển trở thành tập đoàn bất động sản hàng đầu tại Việt Nam. Hiện tập đoàn không ngừng nâng cao năng lực cũng như vị thế bằng hoạt động đầu tư và phát triển các dự án bất động sản có nét riêng biệt tại những vị trí đắc địa trên khắp cả nước", trích đoạn nói về Tập đoàn Trần Thái được phát trên Thời sự VTV1 trung tuần tháng 9/2011.
Thông thường, các doanh nghiệp địa ốc rất chú trọng khâu quảng bá, truyền thông. Trái ngược lại, video dài 40 giây trên VTV1 là mẩu tin hiếm hoi về Trần Thái xuất hiện một cách chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Dĩ nhiên, mỗi doanh nghiệp có phương hướng, chiến lược phát triển cho riêng mình. Trần Thái không phải ngoại lệ. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng việc kín tiếng trước giới truyền thông khiến Trần Thái càng thêm bí ẩn trong mắt công luận, bên cạnh nhiều đồn đoán về gốc gác và gia thế của tập đoàn này.
Ở Sài Gòn, người ta mặc định Trần Thái là một tập đoàn rất lớn, nhưng bởi sự "bí hiểm" nói trên, nên mức độ "lớn" ra sao thì không có nhiều dữ liệu đủ xác tín để có thể hình dung được.
"Hệ sinh thái" Trần Thái Group
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Trần Thái là một nhóm công ty gồm hàng chục thành viên, với pháp nhân "lõi" là Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái - doanh nghiệp được vợ chồng ông Trần Minh Chí và bà Thái Ngọc Dung thành lập năm 2001. Cái tên Trần Thái có lẽ cũng bắt nguồn từ tên họ của hai doanh nhân này.
Trần Thái có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng, do ông Trần Minh Chí góp 66%, bà Thái Ngọc Dung 30,4% và một cá nhân họ Thái khác là Thái Ngọc Phụng (3,6%). Ngày 7/11 vừa qua, cơ cấu cổ đông của Trần Thái có sự xáo trộn lớn khi doanh nhân có tên gọi thường ngày là Sáu Chí nâng tỷ lệ sở hữu lên 96,4%, vợ ông cùng thể nhân họ Thái còn lại đều thoái hết vốn, đồng thời xuất hiện một cổ đông mới là ông Trần Tuấn Huy (3,6%).
Tại TP. HCM, Trần Thái "lận lưng" một số dự án đáng chú ý như Khu dân cư cao cấp Trần Thái Village (13,6ha) nằm sát Phú Mỹ Hưng tại Quận 7; dự án cao ốc Phú An rộng 3,2ha tại Linh Trung, Thủ Đức; dự án Palm City 30ha Nam Rạch Chiếc, Quận 2 liên danh cùng Tiến Phước và Keppel Land. Cặp đôi Trần Thái - Tiến Phước cũng đã cùng một nhà đầu tư nước ngoài là Denver Power Ltd tham gia dự án Empire City tại Thủ Thiêm, Quận 2 với tổng vốn 26.000 tỷ đồng. Trước đó, Trần Thái và Tiến Phước cũng đồng hành cùng nhau tại dự án Khách sạn 5 sao Le Meridien trên mặt đường Tôn Đức Thắng, Quận 1.
Dù là tập đoàn có "số má" ở TP. HCM, tuy nhiên quỹ đất lớn nhất của Trần Thái lại nằm ở Kiên Giang, đặc biệt là Phú Quốc. Theo giới thiệu tại website công ty, doanh nghiệp của ông Trần Minh Chí hiện có 7 dự án ở Kiên Giang, gồm Khu du lịch sinh thái U Minh Thượng (1.120ha); Công viên văn hoá và Làng sinh thái Đông Hồ - Hà Tiên (26ha) và 5 dự án tại Phú Quốc là Khách sạn Hương Biển (1,9ha), Khu du lịch nghỉ dưỡng Tran Thai Marina Resort & Villas (41ha), Khu du lịch Cửa Cạn (23ha) và Khu du lịch nghỉ dưỡng Hòn Thơm (14,9 ha), Khu du lịch Bãi Vòng (34ha).
Ở một số tỉnh, thành khác, Trần Thái cũng ghi dấu ấn như dự án Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập rộng 135ha tại huyện Mộc Hoá, Long An hay dự án Trần Thái Cam Ranh rộng 27,5ha tại Cam Ranh, Khánh Hoà.
Dù Trần Thái sở hữu rất nhiều dự án, song phần lớn đều chưa "thành hình". Ở dự án gần đây nhất đi vào hoạt động, Khách sạn Hương Biển (Sea Shells) tại Phú Quốc hồi đầu năm dính lùm xùm xây sai phép và phải tiến hành cắt ngọn. Trong khi đó, dự án Trần Thái Cam Ranh cuối năm 2016 đã được bán lại cho nhóm nhà đầu tư liên quan đến doanh nhân Đức "Cá Tầm". Ở siêu dự án Empire City, cả Trần Thái và Tiến Phước hồi tháng 4/2016 đã giảm đáng kể tỷ lệ sở hữu, từ 25% xuống còn 15% (mỗi công ty), qua đó coi như nhường quyền chi phối cho nhà đầu tư ngoại. Trần Thái cũng đã mang vốn góp và quyền, lợi ích phát sinh trong dự án thế chấp cho cổ đông ngoại trong liên doanh là Denver Power Ltd.
Hiện nay, ông Trần Minh Chí trực tiếp đứng tên tại nhiều doanh nghiệp quan trọng trong Group, ngoài BĐS Trần Thái, còn CTCP Du lịch Phú Quốc, Công ty TNHH Phú Quốc Trần Thái, CTCP Du lịch Trần Thái - Phương Nam, Công ty TNHH Du lịch Tháp Mười, Công ty TNHH MTV Trần Thái Hà Tiên, CTCP Du lịch Vị Thanh, hay Công ty TNHH MTV Trần Thái Gia Hân - doanh nghiệp được đặt tên theo người con út của vợ chồng ông Trần Minh Chí.
Ngoài ra, hệ thống doanh nghiệp "họ" Trần Thái còn nhiều cái tên quy mô khác, không do doanh nhân Sáu Chí trực tiếp đứng tên như CTCP Bất động sản Phú An (700 tỷ đồng), CTCP BĐS Phú An Điền (vốn 600 tỷ đồng), CTCP BĐS Phú An Khang (vốn 320 tỷ đồng), Công ty TNHH BĐS Du lịch Đảo Ngọc (vốn 300 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Thạch Anh (vốn 50 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Xây dựng Thạch Anh...
Một thương vụ kín tiếng
Ở một thương vụ kín tiếng hơn, doanh nhân Trần Tuấn Huy - cổ đông còn lại trong Công ty TNHH BĐS Trần Thái hiện nay - từng tham gia góp 50% vốn vào CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển công nghiệp vận tải Bình Kiên - một trong hai nhà đầu tư tư nhân đầu tiên tiếp cận, hợp tác cùng Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ở thương vụ 2-4-6 Hai Bà Trưng từ năm 2007.
Vận tải Bình Kiên đồng hành cùng Sabeco cho tới cuối năm 2014, khi rút lui, "nhường suất" cho nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới Tập đoàn S.S.G. Nhóm này, như đã đề cập ở bài trước, vài tháng sau cũng nhanh chóng nhượng lại 74% vốn dự án (26% của Sabeco) cho các nhà đầu tư liên quan tới tập đoàn bất động sản lớn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, để rồi tập đoàn này cuối năm 2016 tiếp tục bán dự án cho nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới một tập đoàn lớn khác trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1.
2-4-6 Hai Bà Trưng không phải lô đất "vàng" đầu tiên của Sabeco có bóng dáng của Trần Thái Group. Một vài cái tên khác có thể kể ra như 46 Bến Vân Đồn (Quận 4) hay 606 Võ Văn Kiệt (Quận 1), sẽ được Nhadautu.vn đề cập ở một dịp khác.
Nghi Điền
Theo Nhà đầu tư