Sự kiện hot
10 năm trước

Mũ bảo hiểm trẻ em: Sức mua tăng vọt, hàng nội chiếm ưu thế

Đã hơn một tuần kể từ ngày 10/4 khi cảnh sát giao thông trên toàn quốc đồng loạt tiến hành xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe gắn máy, xe đạp điện, lượng mũ bảo hiểm dành cho trẻ em được bán ra tăng vọt, hàng nội dù giá cao vẫn đang chiếm ưu thế.


Mũ bảo hiểm trẻ em bán chạy ngay sau khi cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt. (Ảnh: PV/Vietanm+)

Khảo sát trên các cửa hàng mũ bảo hiểm tại các tuyến phố Cầu Giấy, Kim Mã, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc... cho thấy, lượng mũ cho trẻ em bán ra đang tăng mạnh. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm bán chạy đều là mũ bảo hiểm của các công ty nội địa sản xuất, phân phối qua các cửa hàng nên giá ổn định và không tăng giá theo sức mua.

Chị Nguyễn Thu Trang, chủ cửa hàng mũ bảo hiểm trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hơn một tuần nay, trung bình mỗi ngày lượng mũ bán lẻ là 20-30 chiếc, gấp 4-5 lần lượng bán ra thời gian trước. Các sản phẩm bán chạy chủ yếu là mũ bảo hiểm trẻ em hàng nội địa với giá dao động 180.000-250.000 đồng một chiếc tùy kiểu dáng.

"Hàng Trung Quốc giá rẻ và nhiều mẫu mã hơn nhưng tôi không nhập nhiều vì với mũ bảo hiểm trẻ em, khách hàng chú trọng đến chất lượng sản phẩm hơn, có nhập hàng Trung Quốc cũng sẽ bán chậm vì khách không chuộng, " chị Trang chia sẻ.

Sau khi nhận thông báo của nhà trường về việc đưa con đi học phải đội mũ bảo hiểm, chị Trần Thúy Trình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã đưa con đi mua mũ bảo hiểm, chị lựa chọn sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có tem bảo hành với giá 250.000 đồng.

"Mua mũ cho con không phải chỉ để tránh không bị xử phạt mà quan trọng hơn là để đảm bảo an toàn cho con nên tôi phải lựa chọn hàng tốt, có thương hiệu. Các hàng bán mũ bảo hiểm ở lề đường còn có loại chỉ 60.000-100.000 đồng nhưng sờ vào mới thấy mũ ọp ẹp, không an toàn khi xảy ra va chạm nên tôi không dám mua,” chị Trình tâm sự.


Mũ bảo hiểm hàng Trung Quốc nhiều mẫu mã và giá thành rẻ hơn nhưng không được các bậc phụ huynh lựa chọn. (Ảnh: PV/Vietnam+)


Các chủ cửa hàng mũ bảo hiểm cho biết, hầu hết các sản phẩm mũ bảo hiểm trẻ em bán chạy trong thời gian này đều là các sản phẩm của các thương hiệu mũ bảo hiểm có uy tín. Thời gian gần đây, các công ty sản xuất mũ bảo hiểm cũng đã chú trọng hơn đến cải thiện chất lượng mẫu mã các sản phẩm cho trẻ em.

Anh Nguyễn Xuân Thắng, Quản lý bán hàng hệ thống Mũ bảo hiểm Nhiệt đới Protec (Hà Nội) cho biết, tại hệ thống các cửa hàng Protec sau ngày 10/4, sức mua đã tăng lên gấp 3-4 lần so với thời gian trước. Các sản phẩm bán chạy chủ yếu là mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi. Như vậy khi luật xử phạt đã đi vào đời sống sẽ có tác động rất nhiều đến sức mua. Từ nay đến hết 31/5, tại các cửa hàng Protec trên toàn quốc, khách hàng được  giảm 10% và tặng voucher mua hàng trị giá 50.000 đồng cho mỗi mũ khách hàng mua tiếp theo.

Mũ bảo hiểm là sản phẩm đảm bảo an toàn nhưng nó cũng tiềm ẩm nhiều nguy cơ khi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Anh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, khi tai nạn xảy ra, mũ bảo hiểm chất lượng kém sẽ không có tác dụng giảm chấn thương và hạn chế tối đa lực tác động do va chạm với phần đầu người đội mũ, mũ cũng có thể vỡ ra và gây thương tích cho người đội, rất dễ dẫn tới chấn thương sọ não.

Anh Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, nhìn tổng quan về mũ, người tiêu dùng nên kiểm tra các bộ phận và đảm bảo mũ phải có độ chắc chắn, các bộ phận ăn khớp với nhau. Một chiếc mũ đạt tiêu chuẩn phải được ghi rõ thông tin về tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ, ngày sản xuất, logo và có tem bảo đảm chất lượng CR.

“Các sản phẩm của Protec lớp xốp trong mũ, lót mũ, dây quai mũ, khóa mũ đều có nhãn mác đều có in logo Protec. Lớp xốp đảm bảo độ rắn chắc nếu dùng đầu ngón tay để ấn vào lớp xốp thì lớp xốp không bị thay đổi, bị méo, vỡ,” anh Nguyễn Xuân Thắng nói.

Thực tế cho thấy việc xử phạt vi phạm hành chính đã giúp tăng cường ý thức người dân trong việc sử dụng mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, để đội mũ bảo hiểm có thể phòng tránh chấn thương khi không may xảy ra tai nạn giao thông thì việc lựa chọn mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, khi ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, các sản phẩm mũ bảo hiểm cho trẻ em sản xuất trong nước sẽ vẫn được ưa chuộng chứ không chỉ trong thời điểm việc xử phạt có hiệu lực.
 

Trong năm 2014, Chi cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra và phát hiện 133 vụ buôn bán mũ bảo hiểm nhập lậu, mũ không có chứng từ, không rõ nguồn gốc và đã tiêu hủy hơn 15.300 mũ bảo hiểm nhập lậu, kém chất lượng.

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã kiểm tra, xử lý 94 vụ vi phạm về kinh doanh mũ bảo hiểm nhập lậu, mũ giả, mũ không bảo đảm tiêu chuẩn, phạt hành chính gần 87 triệu đồng, tịch thu và tiêu hủy gần 7.000 chiếc mũ bảo hiểm các loại.

Hồng Kiều
theo Vietnam+

Từ khóa: