Sự kiện hot
12 năm trước

Mua bán, sáp nhập ngân hàng: Giải pháp “vàng”

Mấy năm gần đây, mua bán, sáp nhập được coi là xu thế tất yếu trong hệ thống ngân hàng. Ngoài những ngân hàng buộc phải sáp nhập vì "yếu", cũng có ngân hàng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài

Mấy năm gần đây, mua bán, sáp nhập được coi là xu thế tất yếu trong hệ thống ngân hàng. Ngoài những ngân hàng buộc phải sáp nhập vì "yếu", cũng có ngân hàng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, hay mua cổ phần từ đơn vị khác để mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh…

Một trong những thương vụ sáp nhập khá lớn diễn ra giữa 3 ngân hàng TMCP: Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Đệ Nhất (Ficombank) tháng 12-2011. Thương vụ này được nhìn nhận là mang màu sắc "cơ cấu", bởi cả 3 đều không đủ "sức khỏe" để duy trì hoạt động. Thương vụ khác được nhắc đến nhiều là Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng có màu sắc "cơ cấu" khi Habubank rơi vào tình trạng yếu về thanh khoản tại thời điểm đó. Những thương vụ khá lớn khác là Ngân hàng TNHH Mizuho (MHCB) - thành viên của Tập đoàn Tài chính Mizuho (Nhật Bản) mua 15% vốn tính trên số cổ phần đã phát hành của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), tương đương 567,3 triệu USD và Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (Nhật Bản) mua 20% cổ phần của Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) với giá 743 triệu USD. Trước đó, thương vụ mua bán, sáp nhập được đánh giá cao phải nói đến Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPOST) góp vốn vào Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) với việc sáp nhập Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và LienVietBank. Sau sáp nhập, ngân hàng có tên gọi mới là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Cuộc "kết hôn" này đã cho ra đời mô hình ngân hàng bưu điện đầu tiên tại Việt Nam, kết hợp giữa ngân hàng thương mại truyền thống với dịch vụ tiết kiệm bưu điện. Nhờ đó, vốn điều lệ của LienVietPostBank tăng từ 5.650 tỷ đồng lên 6.010 tỷ đồng, địa bàn hoạt động của LienVietPostBank tăng lên hơn 10.000 điểm giao dịch trên toàn quốc.


Giao dịch tại Ngân Hàng LienVietPostBank.

Sau sáp nhập, cái được nhất từ 3 ngân hàng SCB, TinNghiaBank và Ficombank là hoạt động khá ổn định, tính thanh khoản cũng được cải thiện. Còn với Habubank và SHB, mặc dù cái tên Habubank đã bị "xóa sổ" song SHB lại trở thành một định chế tài chính có quy mô lớn, với số vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 120.000 tỷ đồng, mạng lưới kinh doanh gồm 240 chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước và 2 chi nhánh tại Campuchia, Lào. Bất chấp Habubank có số nợ xấu lên đến hàng nghìn tỷ đồng song SHB đang từng bước xử lý vấn đề này. Còn LienVietPostBank, với tổng tài sản hiện nay là hơn 70 nghìn tỷ đồng, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Hưởng cho biết, ngân hàng này tận dụng được mạng lưới giao dịch lên đến hơn 10.000 điểm từ hệ thống tiết kiệm bưu điện trên cả nước.

Trong bối cảnh các điều kiện mở thêm điểm giao dịch khắt khe như hiện nay, để có hơn 10.000 điểm, ngân hàng cần hàng trăm năm. Mạng lưới này sẽ hỗ trợ lớn cho ngân hàng trong việc phát triển mảng bán lẻ. Nguyên tắc hoạt động của ngân hàng là chậm mà chắc và luôn đặt ra những dự báo xấu nhất. Trong những năm đầu kể từ khi thành lập, ngân hàng "sống" chủ yếu dựa vào thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, thay vì chỉ chăm sóc những doanh nghiệp lớn, LienVietPostBank lại chú trọng nông nghiệp, nông thôn, với dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này lên tới 40% tổng dư nợ. Đầu tư cho nông nghiệp không chịu nhiều rủi ro vì theo nguyên tắc "chia trứng thành nhiều giỏ", tức là chia đều cho các hộ vay vốn, như vậy rủi ro sẽ được chia đều, không giống chỉ tập trung cho một doanh nghiệp lớn - rủi ro sẽ lớn hơn. LienVietPostBank cũng là một trong số ít những ngân hàng không chi hoa hồng cho những khoản huy động vốn từ dân cư. Huy động vốn ngân hàng phải từ dân nghèo mới hiệu quả, vì đó chủ yếu là những người chỉ tích cóp, chỉ gửi tiền vào mà không có nhu cầu rút vốn, trong khi đẩy mạnh huy động từ "nhà giàu" có nguy cơ mất thanh khoản do dễ xảy ra khả năng rút tiền hàng loạt.

Dự báo, năm nay sẽ có thêm 2 ngân hàng hợp nhất, đó là Ngân hàng TMCP Phương Tây (WTB) và Tổng Công ty CP Tài chính dầu khí (PVFC). Mặc dù chưa đưa ra những thông tin chính xác và đầy đủ về cuộc sáp nhập này, song đây có thể cũng là thương vụ đình đám. Theo các chuyên gia, xu thế sáp nhập để phát triển nguồn lực, cũng như có thêm kinh nghiệm lớn hơn, sẽ là tất yếu và mua bán, sáp nhập sẽ là giải pháp "vàng" cho những ngân hàng muốn phát triển.

Đức Anh
theo Hà Nội mới

Từ khóa: