Sự kiện hot
12 năm trước

Mua bán vàng: Cuộc chơi của các “đại gia” nghìn tỷ

Đã có ý kiến cho rằng, đấu thầu vàng đang thiếu công bằng, thậm chí Hiệp hội kinh doanh vàng đã kiến nghị doanh nghiệp được vay tiền để mua vàng đấu thầu. Có thể thấy, “đại gia” cỡ 100 tỷ giờ đang khó tham gia vào “cuộc chơi” này.

Đã có ý kiến cho rằng, đấu thầu vàng đang thiếu công bằng, thậm chí Hiệp hội kinh doanh vàng đã kiến nghị doanh nghiệp được vay tiền để mua vàng đấu thầu. Có thể thấy, “đại gia” cỡ 100 tỷ giờ đang khó tham gia vào “cuộc chơi” này.

Hàng loạt các phiên đầu thầu vàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức nhằm bình ổn thị trường.  Tuy nhiên, sau hơn chục phiên công khai đấu thầu, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, còn thiếu bình đẳng trong đấu thầu vàng miếng, khi các quy định do NHNN đặt ra ngày càng khắt khe hơn.

Phần lớn số vàng trúng thầu rơi vào các ngân hàng thương mại, và số vàng đó dùng để tất toán theo đúng hạn chót 30/6 tới, số ít còn lại được tung ra thị trường.

Giở lại quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, doanh nghiệp được NHNN xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: Thứ nhất, doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Thứ hai, phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; Thứ ba, phải có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; Thứ tư, phải có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế) và điều kiện thứ năm là phải có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên

Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: 1- Có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; 2- Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; 3- Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Theo Hiệp hội kinh doanh vàng, các phiên đấu thầu liên tiếp gần đây, NHNN quy định khối lượng đặt thầu tối thiểu là 1.000 lượng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có số vốn lưu động lớn để thanh toán cho NHNN trong thời gian rất ngắn sau khi trúng thầu. Trong khi doanh nghiệp không thể vay vốn từ ngân hàng. Những quy định trên đã tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng, loại bỏ nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa ra khỏi cuộc đấu thầu.

Nếu khối lượng đặt thầu tối thiểu phải là 1.000 lượng (tương đương khoảng hơn 40 tỷ đồng), thì quả thực doanh nghiệp sẽ khó xoay sở. Không chỉ vậy, các phiên đấu thầu diễn ra liên tiếp, càng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.


Ảnh minh họa

Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, nếu ba phiên diễn ra liên tiếp, doanh nghiệp khó kiếm đâu kịp số tiền xấp xỉ thậm chí hơn cả vốn điều lệ theo quy định. Trong khi đó, mua được vàng rồi đem bán ra thị trường, doanh nghiệp cũng không thể thu hồi ngay được khoản vốn khổng lồ vừa bỏ ra.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đang thanh tra các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có giao dịch về vàng, để đảm bảo việc kinh doanh vàng tuân thủ đúng quy định. Trường hợp phát hiện sai phạm, NHNN sẽ xử lý nghiêm...

Rõ ràng lợi thế đang nghiêng về các ngân hàng thương mại, nơi có vốn lớn, huy động nguồn tiền nhanh. Trong đó có cả lợi thế, NHNN không cho phép các ngân hàng thương mại cho vay vốn để mua vàng.

Vàng nội giảm nhiệt: Trông chờ các “đại gia” nghìn tỷ

Theo Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, do vàng không phải là mặt hàng thiết yếu thuộc diện phải bình ổn giá, nên không có chuyện Nhà nước hy sinh mục tiêu ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô để ổn định giá vàng, mà ngược lại các giải pháp quản lý thị trường nhằm đảm bảo cung cầu hợp lý, ổn định tỷ giá cũng như vĩ mô.

Hé mở tia hy vọng cho giá vàng trong nước hạ nhiệt, theo Phó Thống đốc Lê Minh Hưng, việc huy động vàng của các tổ chức tín dụng đã kết thúc vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, căn cứ vào kỳ hạn huy động vàng thì phải đến ngày 30/6 tới mới là thời hạn cuối cùng để các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái vàng. Bởi vậy, từ nay đến trước ngày 30/6, nhu cầu mua vàng của các tổ chức tín dụng vẫn còn khá lớn, để đáp ứng nhu cầu tất toán trạng thái vàng, cũng như phục vụ hoạt động mua bán trên thị trường. Khi cầu còn khá lớn, thì chênh lệch giá trong nước và thế giới chưa thể thu hẹp. Tuy nhiên, sau thời điểm 30/6, khi các tổ chức tín dụng tất toán xong trạng thái vàng, thì cầu sẽ giảm, nên giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới.

Như vậy, thêm một lý do nữa, giá vàng trong nước hiện đang phải trông chờ vào các “đại gia” nghìn tỷ, khi đến thời hạn các tổ chức tín dụng phải tất toán xong vàng (30/6), chấm dứt huy động vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư 12/2012/TT-NHNN.

Đinh Bách
theo VnMedia

Từ khóa: