Sự kiện hot
8 năm trước

Mua hàng trực tuyến: Hiện đại nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro

Không thể phủ nhận hình thức mua hàng trực tuyến đang ngày càng phát triển và trở nên phổ biến, tuy nhiên đi kèm với nó là những rủi ro tiềm ẩn.

Xu hướng mua sắm hiện đại

Khi Internet bùng nổ cùng sự  tăng trưởng nhanh chóng của điện thoại thông minh, người tiêu dùng dần quen thuộc với việc mua sắm bằng một cú “click”. Theo con số thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ mua sắm trực tuyến chiếm 37% vào năm 2014 và tăng lên đến 50% vào năm 2015.

Tính ưu việt của việc mua sắm trực tuyến rất dễ nhận thấy như người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm từ nhiều nguồn khác nhau: trang web, mạng xã hội (facebook, instagram,…). Đặc biệt, có những trang web cung cấp dịch vụ so sánh giá sản phẩm từ các trang web khác đã hỗ trợ người tiêu dùng rất tốt trong việc mua hàng qua mạng.


Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh minh họa

Hình thức trực tuyến cung cấp rất đa dạng các loại sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là mặt hàng quần áo, đồ điện tử, đồ chơi, mỹ phẩm. Hầu hết các sàn giao dịch thương mại điện tử cho phép khách hàng đánh giá sản phẩm sau khi mua. Vì thế, người tiêu dùng có thể tìm hiểu về sản phẩm một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định mua. Đặc biệt mua sắm trực tuyến luôn tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Các sàn thương mại điện tử cung cấp các mặt hàng rất đa dạng cùng hình thức thanh toán linh hoạt, phong phú, cho phép người tiêu dùng mua sắm trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, 92% người sử dụng internet tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mua sắm trực tuyến. Lứa tuổi từ 21 - 34 là đối tượng sử dụng thương mại điện tử nhiều nhất. Đấy là những xu hướng tiêu dùng hiện nay, cũng là cơ hội thương mại điện tử phát triển.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro đi kèm

Thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết mua hàng trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng. Người tiêu dùng chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng – thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật. Việc tiếp cận các thông tin về an toàn/cảnh báo của sản phẩm cũng khó khăn hơn so với hình thức mua sắm truyền thống, đặc biệt khi người tiêu dùng xem sản phẩm qua thiết bị có màn hình nhỏ như điện thoại.

Với mua sắm trực tuyến, hàng hóa lại được phân phối qua các sàn giao dịch điện tử, trang web đấu giá, mạng xã hội – người tiêu dùng rất khó xác định nhà sản xuất, nhà phân phối. Bên cạnh đó, việc mua hàng từ các cá nhân qua mạng xã hội thậm chí còn tồn tại nhiều rủi ro hơn. Trong một số trường hợp phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng cho biết không thể liên hệ được với cá nhân qua điện thoại/địa chỉ được cung cấp.

Tại Việt Nam, theo dữ liệu khiếu nại trong năm 2016 và quý I năm 2017 của Cục Quản lý cạnh tranh, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên. Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại bao gồm giao sai sản phẩm/sản phẩm có thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web; giao hàng chậm; giao thiếu hàng khuyến mãi; giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại…Cùng với đó là việc đăng sai giá; hủy đơn hàng không lý do; sản phẩm không nhãn mác; thông báo hết hàng mặc dù trang web vẫn còn nhưng với giá cao hơn; không cung cấp hóa đơn. Ngoài ra còn tình trạng voucher không thể sử dụng mặc dù vẫn còn hạn hay người tiêu dùng bị lừa khi đặt phòng khách sạn.

Trước tình trạng quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận.

Đối với sản phẩm dịch vụ trước khi mua, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm bằng cách tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên internet như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá (review) về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng.

Cục Quản lý cạnh tranh cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng. Ngoài ra cần cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình; cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty; cảnh giác với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm.

 

Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rõ một trong những quyền của người tiêu dùng là:

“Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.

 

Lan Trần
theo Công lý

Từ khóa: