Sự kiện hot
10 năm trước

Mua lại ngân hàng với giá "0 đồng" của NHNN?

ĐS&TD - Trong gần một năm qua, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 2 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) với giá 0 đồng đã khiến dư luận dấy lên hai luồng ý kiến tán thành và phản đối. Nếu như phần lớn ý kiến tỏ ra vui mừng vì người gửi tiền được đảm bảo quyền lợi thì một số khác lại cho rằng, những cổ đông đầu tư vào hai ngân hàng trên thật “đáng thương” khi bỗng dưng "mất hết vốn".


OceanBank và VNCB được NHNN mua lại với giá 0 đồng

 

Từ cuối năm 2014, thông tin NHNN mua lại VNCB với giá 0 đồng đã khiến dư luận xôn xao. Nhiều khách hàng cá nhân lẫn tổ chức đang có gửi tiền tại đây dường như đã “thở phào” nhẹ nhõm khi được trả lại toàn bộ số tiền tiết kiệm. Một số khác lại lo lắng cho cổ đông VNCB khi NHNN mua lại cổ phần với giá 0 đồng, đồng nghĩa với việc cổ đông bị mất trắng hết toàn bộ vốn đầu tư.

Bước sang năm 2015, thị trường tài chính lại một lần nữa bị xáo trộn khiOcean Bank tiếp tục được NHNN mua lại với giá 0 đồng. Ngay từ cuối năm 2014, ngân hàng này nhận được sự chú ý đặc biệt khi lần lượt lãnh đạo cao cấp của nhà băng bị bắt hồi tháng 11/2014. Sự việc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cũng như tình hình kinh doanh hiện tại của ngân hàng. Điều này góp phần khiến Ocean Bank rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt của NHNN.

Lý giải nguyên nhân được cho là chính yếu khiến NHNN mua lại Ocean Bank với giá 0 đồng cũng giống như VNCB. Đại diện NHNN cho biết: “Thời gian qua, hoạt động của Ocean Bank đã bộc lộ nhiều yếu kém, việc quản trị, điều hành ngân hàng vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản của ngân hàng, NHNN quyết định đặt Ocean Bank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định của pháp luật.

Với tổn thất tài chính nặng nề đó, trong khi Ocean Bank lại không có các giải pháp khả thi để tăng vốn điều lệ đảm bảo mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN, nhằm xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại yếu kém của ngân hàng. NHNN đã bắt buộc mua toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại Ocean Bank giúp NHNN hoàn toàn chủ động trong việc tiếp tục tái cơ cấu Ocean Bank, đảm bảo chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan các yếu kém của Ocean Bank sang các tổ chức tín dụng khác”.

Mặc dù NHNN đã giải thích nguyên nhân của việc mua lại hai ngân hàng trên với giá 0 đồng thế nhưng, nhiều luồng ý kiến cho rằng, với giá 0 đồng mua lại cổ phần của các cổ đông là một sự “bắt ép” không thương tiếc đối với cổ đông, nhà đầu tư. Nhìn vào “tấm gương” của hai ngân hàng trên, một câu hỏi mà khá nhiều người đặt ra, liệu rằng trong tương lai sẽ có ai dám vào đầu tư mua cổ phần các ngân hàng.

Bàn luận về vấn đề trên, một chuyên gia kinh tế cho biết: “Việc quốc hữu hoá là một điều may mắn đối với người gửi tiền và các chủ nợ khác tại VNCB và Ocean Bank. Theo đó, họ vẫn bảo toàn được toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm tại đây. Trong trường hợp hai ngân hàng này phá sản, họ chỉ nhận được một phần tiền gửi từ quỹ bảo hiểm tiền gửi, còn lại sẽ mất trắng”.

Xã hội ngày càng phát triển, cũng với những “màn trình diễn đầy ấn tượng” của những nhà băng lớn hiện nay, sự tham gia cạnh tranh mạnh mẽ của các ngân hàng ngoại thì sự đổ vỡ tất yếu của những ngân hàng yếu kém đã tạo nên một năm tài chính sôi động, đầy màu sắc của ngành ngân hàng.

Bách Hợp

Từ khóa: