Thanh toán ví điện tử đang trở thành một nhu cầu có thật trong giới trẻ đô thị, nó không chỉ tạo ra cạnh tranh bằng giá, mà còn tạo ra rất nhiều giá trị tăng thêm từ nhà cung ứng ví tích hợp điểm trên số lần thanh toán và hoàn tiền theo các chương trình liên kết với các cửa hàng phân phối hàng hóa, dịch vụ.
Khách xem hàng, về mua trên mạng
Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, các trang thương mại điện tử quốc tế như Amazon đã sử dụng công nghệ trợ lý ảo hỗ trợ cho công việc giao hàng. Việt Nam hiện có trên 53 triệu người sử dụng internet, trong khi tỷ lệ người có tài khoản ngân hàng sử dụng vào thanh toán rất thấp so với tổng mức bán lẻ sẽ là một cơ hội rất lớn cho các nhà kinh doanh trung gian thanh toán.
|
|
Phương thức bán hàng của các hệ thống cửa hàng bán lẻ cũng đang thay đổi theo hướng số hóa nhanh chóng, điển hình như chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, dù không phải sàn giao dịch thương mại điện tử, nhưng cũng đã được Hiệp hội Thương mại điện tử xếp vào trong nhóm các đơn vị có doanh số bán hàng trực tuyến cao nhất Việt Nam. Gần đây, hệ thống siêu thị Co.opMart, các cửa hàng tiện lợi của Satrafood, Circle K đã ứng dụng thanh toán bằng các ví điện tử thu hút được rất nhiều khách hàng không dùng tiền mặt vì có nhiều khuyến mãi. Thậm chí nhiều cửa hàng điện máy có những thời điểm chỉ thấy người vào xem mẫu ghi chép lại mã hàng và về lướt web mua trên mạng để được hưởng khuyến mãi từ các trang trung gian thanh toán.
Ông Phạm Minh Tùng - Trưởng nhóm nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho rằng, trong một thời đại người tiêu dùng mua bán hàng hóa không kể ngày đêm, thì chỉ có dịch vụ tài chính số mới ở bên cạnh người tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Nhiều nhà bán hàng lo lắng thu từ hiệu quả kinh doanh nếu áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt thì không đủ bù chi đầu tư hạ tầng công nghệ tài chính. “Người tiêu dùng không trung thành với những công cụ tài chính số trong thanh toán không dùng tiền mặt là có, do công nghệ thay đổi quá nhanh, các công ty cung ứng sản phẩm tài chính số đã đánh vào giá trị gia tăng của người mua hàng, chứ không đơn thuần đánh vào giá”, ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Hoàng Ly - Chủ tịch HĐQT Công ty Fintek cho biết, cũng như ngân hàng, các nhà bán lẻ hàng hóa dịch vụ nên chọn cho mình một công ty fintech phù hợp với chiến lược kinh doanh của chuỗi bán lẻ cùng tham gia điều hành và cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Phải xác định đầu tư một hệ thống thanh toán bằng công nghệ là lâu dài, chứ không nên hiểu như mua một cái máy tính tính tiền có thể thay cái máy tính khác khi thấy nó không còn phù hợp.
Thanh toán điện tử nên bám vào hệ thống bán lẻ
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, Bộ Chính trị mới đây đã có Nghị quyết 52/NQ-TW về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 đã rất ủng hộ các công ty fintech tham gia thị trường. Trong đó, hoạt động tài chính công nghệ có những kế hoạch tức thời và những kế hoạch dài hạn, đặc biệt sẽ có khung thử nghiệm chính sách (sandbox) đối với một số lĩnh vực mới trong dịch vụ tài chính số. NHNN Việt Nam cũng đang hoàn thiện những khung pháp lý tạo điều kiện cho các thực thể tham gia thị trường fintech thuận lợi nhưng không trái các quy tắc chung.
Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Ví điện tử MoMo cũng đánh giá, thị trường ví điện tử mới chỉ phát triển khoảng 3 năm qua. Đơn cử 9 năm trước, công ty đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc mang sản phẩm ví điện tử ra thị trường. Tuy nhiên, đến nay ví điện tử MoMo đã có bước phát triển nhanh chóng, từ chỗ gắn vào chiếc sim điện thoại của nhà mạng mobifone, đến nay đã liên kết với 23 ngân hàng và thao tác liên kết tài khoản ngân hàng với tài khoản ví để chuyển tiền thanh toán trong 1 phút. Đồng thời ví điện tử MoMo chứng minh được thanh toán ở các cửa hàng bán lẻ chỉ mất 2 giây, trong khi rút tiền mặt chi tiêu mất đến hơn 3 giây.
Thực tế cũng cho thấy, thanh toán ví điện tử đang trở thành một nhu cầu có thật trong giới trẻ đô thị, nó không chỉ tạo ra cạnh tranh bằng giá, mà còn tạo ra rất nhiều giá trị tăng thêm từ nhà cung ứng ví tích hợp điểm trên số lần thanh toán và hoàn tiền theo các chương trình liên kết với các cửa hàng phân phối hàng hóa, dịch vụ. Thế nhưng Trưởng nhóm nghiên cứu của Nielsen cho rằng, khâu chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản ví điện tử mới bắt đầu quét mã QR, hoặc thanh toán trên áp của ví điện tử mất nhiều thời gian hơn việc sử dụng công cụ thanh toán mobile banking, internet banking, thẻ tín dụng…
Ví điện tử không cạnh tranh với ngân hàng mà hợp tác với ngân hàng để tích hợp thêm cho thị trường một công cụ thanh toán nhỏ lẻ mà ngân hàng không vươn tới. Ông Marek Forysiak - Chủ tịch Hội đồng thành viên Smartnet một công ty chi trả tiền thông minh cho rằng, nên nhìn vào các giá trị gia tăng cho chủ ví điện tử, chứ không nên chăm chăm thay đổi tiền mặt bằng thanh toán ví. Các nhà kinh doanh dịch vụ tài chính trung gian như ví điện tử phải xác định rằng các cửa hàng bán lẻ đang thu những khoản tiền mặt rất nhỏ lẻ, nếu fintech xuất hiện ở mọi điểm bán lẻ hàng hóa dịch vụ đáp ứng thanh toán điện tử không tiền mặt cho người tiêu dùng và các cửa hàng phân phối, sẽ tạo ra một quy mô thanh toán điện tử rất lớn. Ví điện tử đang có tốc độ phát triển nhanh ở Việt Nam và trong thời buổi công nghệ không biên giới như hiện nay thì những sản phẩm công nghệ xuất hiện ở đâu thì Việt Nam cũng có.
Hải Nam
Theo Thời báo Ngân hàng