Quy định hiện hành khống chế việc bán hàng giảm giá, khuyến mãi khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37/2006 về hoạt động xúc tiến thương mại đã được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến góp ý.
Đây là điều mà các thương nhân mong đợi từ lâu. Bởi thực tế Nghị định 37 đã ban hành hơn 10 năm qua có quá nhiều bất hợp lý, vướng mắc, gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng.
Không cho giảm giá nhiều
Một trong những điểm sửa đổi đáng chú ý tại dự thảo nghị định là thương nhân có thể giảm giá tối đa 70% trong các trường hợp khuyến mãi theo các chương trình tập trung (tháng khuyến mãi, mùa khuyến mãi, tuần lễ khuyến mãi, ngày khuyến mãi…) do Nhà nước chủ trì tổ chức hoặc khuyến mãi theo các chương trình xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh quy định. Riêng đối với các trường hợp khuyến mãi khác vẫn duy trì hạn mức tối đa là 50% như hiện nay.
Nhiều DN cho rằng dù dự thảo đã cởi mở hơn so với quy định cũ nhưng vẫn chưa theo kịp thực tế cuộc sống. Do vậy cần dỡ bỏ mức trần khuyến mãi 50%. Điều này có nghĩa nên để DN tự quyết việc giảm giá sản phẩm của mình, cơ quan quản lý chỉ cần kiểm tra chặt về chất lượng sản phẩm.
Đại diện một công ty trong ngành công nghệ thông tin cho biết công nghệ thế giới thay đổi cực nhanh. Những sản phẩm có tuổi đời ngắn thường chỉ sau sáu tháng có thể đã lỗi thời, sau một năm càng khó bán. Vì vậy, công ty rất muốn giảm giá mạnh các sản phẩm này để thay thế sản phẩm mới, thậm chí chấp nhận lỗ để giải phóng hàng tồn nhưng rất khó khăn vì quy định tối đa chỉ được giảm 50%.
Tương tự, các DN ngành hàng thời trang quần áo thường sản xuất theo mùa, hết mùa phải giải quyết hàng tồn kho, thay đổi mẫu mã liên tục. Thế nhưng muốn bán rẻ cũng không được vì quy định khống chế tỉ lệ giảm giá không quá 50%. “Quy định này rất khó hiểu, bất hợp lý và không thực tế nhưng đã tồn tại hơn 10 năm qua” - đại diện một công ty may mặc bức xúc.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, kể có nhiều trường hợp thương nhân kinh doanh quần áo muốn chuyển sang lĩnh vực khác, cần thanh lý nhanh hàng hóa để thu hồi vốn buộc phải giảm giá mạnh trên 50% cũng không được.
“Tôi cho rằng không nên khống chế trần khuyến mãi vì lợi ích trực tiếp mang lại cho người tiêu dùng. Cơ quan chức năng chỉ nên kiểm tra, xử lý những đơn vị khuyến mãi lừa đảo, gian lận” - luật sư Xoa đề nghị.
Một số chuyên gia cho hay hiện nay tại nhiều quốc gia hoạt động khuyến mãi được tổ chức một cách đồng bộ, rộng khắp. Mức giá trị được dùng khuyến mãi có thể lên tới gần 100% tùy theo khả năng của DN. Do vậy Việt Nam không nên khống chế DN giảm giá.
“Quy định về mức trần giảm giá không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Thực tế cho thấy các hình thức khuyến mãi có tác dụng tích cực tới hoạt động kinh doanh của DN. Đặc biệt khi một DN mới kinh doanh, khách hàng chưa nhiều thì cần phải khuyến mãi để khách hàng biết đến thay vì quảng cáo tốn nhiều chi phí hơn. Vì vậy, việc cấm giảm giá quá 50% gây cản trở cho DN mới gia nhập thị trường. Mặt khác, việc đặt ra quy định khống chế như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường cạnh tranh của DN Việt Nam” - TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nêu quan điểm.
Việc đặt ra quy định khống chế khuyến mãi ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN
Nhiều thủ tục nhiêu khê
Một trong những vướng mắc, bất cập lớn khác là các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xúc tiến thương mại, khuyến mãi không rõ ràng, cụ thể và rất phức tạp. Điều này gây trở ngại, tốn kém thời gian và tiền bạc của các thương nhân.
Đại diện Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam than thở công ty gặp rất nhiều khó khăn khi đăng ký khuyến mãi vì mỗi nơi áp dụng một kiểu, thủ tục rườm rà và chậm trễ. Chẳng hạn một số chương trình khuyến mãi khi DN làm công văn thông báo gửi qua đường bưu điện tới Bộ Công Thương thì không nhận được văn bản trả lời có chấp nhận hay không. Cuối cùng DN phải nhờ một đơn vị dịch vụ tới trực tiếp làm mới xong bộ hồ sơ xin khuyến mãi.
“Chúng tôi có rạp chiếu phim khắp trên cả nước. Khi có chương trình khuyến mãi trên diện rộng, DN muốn đăng ký một nơi, một đầu mối cho thuận tiện nhưng theo quy định tổ chức ở tỉnh, thành nào thì phải đăng ký ở tỉnh, thành đó. Thế nên sau khi ra Bộ Công Thương gửi thông báo chương trình khuyến mãi, chúng tôi lại tiếp tục phải vào gửi thông báo chương trình khuyến mãi đã được Bộ chấp thuận cho Sở Công Thương ở các tỉnh, thành. Trong khi đó chương trình khuyến mãi DN phải làm nhanh, nếu không sẽ bị đối thủ khác cạnh tranh nhưng do phải đi đăng ký ở từng địa phương, đến khi nhận được thông báo đồng ý thì chương trình triển khai bị chậm trễ, làm mất cơ hội của DN” - vị đại diện DN này than thở.
Chưa hết, theo quy định hiện nay, với một hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ… thương nhân còn phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và địa phương. Cụ thể DN muốn khuyến mãi trên địa bàn một tỉnh phải đăng ký với Sở Công Thương; tổ chức trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên phải đăng ký với Bộ Công Thương. Thủ tục này làm mất rất nhiều thời gian, chi phí cho DN.
“Đáng nói DN phải thông báo khuyến mãi đúng quy định thì mới được miễn thuế giá trị gia tăng 10%, nếu không sẽ phải chịu số thuế này. Đây là vấn đề mà DN kêu rất nhiều vì cứ nghĩ gửi thông báo là xong nhiệm vụ nhưng không có văn bản trả lời chấp nhận chương trình khuyến mãi của Bộ Công Thương thì chịu thiệt” - luật sư Xoa nói.
Đồng quan điểm, đại diện Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hòa đề xuất các thủ tục giấy tờ đăng ký khuyến mãi nên rõ ràng và nhanh chóng xét duyệt cho DN. Thời hạn xét duyệt khi đăng ký không nhiều bước để DN liên tục có các chương trình khuyến mãi cho người tiêu dùng.
Đa dạng hình thức khuyến mãi
Dự thảo chỉ đưa ra một vài hình thức khuyến mãi, trong khi thực tế hiện nay đã xuất hiện rất nhiều hình thức khuyến mãi mới, khác so với các hình thức truyền thống.
Vì vậy cần bổ sung thêm nhiều trường hợp khuyến mãi chứ không nên cố định vài hình thức. Mặt khác, chỉ nên đưa ra những trường hợp khuyến mãi bị cấm, còn DN được tự do khuyến mãi với nhiều hình thức.
Luật sư TRẦN XOA, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang
Bộ Công Thương cho biết phần lớn DN được hỏi đã thực hiện các chương trình khuyến mãi với tổng giá trị chương trình dưới 500 triệu đồng chiếm tỉ lệ 49%, từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng chiếm 38%. Số DN được hỏi có chương trình lớn hơn 1 tỉ đồng chỉ chiếm dưới 29%.
Quang Huy
Theo Pháp luật TP HCM