Sự kiện hot
13 năm trước

Muôn kiểu "xin trợ cấp" khi không tăng giá vé của xe đò

Chưa tăng vé khi giá xăng đã tăng, DN vận tải đường dài đang kêu lỗ lớn song lại có không ít chiêu "bòn tiền" hành khách khác.

Chưa tăng vé khi giá xăng đã tăng, DN vận tải đường dài đang kêu lỗ lớn song lại có không ít chiêu "bòn tiền" hành khách khác.

Nhịn lãi vì khách hàng là cách làm mà không ít doanh nghiệp đang phải chấp nhận. Bởi, việc tăng giá cước không thể ngày một, ngày hai, mà phải qua một quá trình tính toán, cân nhắc, kỹ lưỡng. Đại diện doanh nghiệp vận tải Nhất Phong Vận (TP.Đà Nẵng) cho hay: “Hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa tăng cước phí, vì một số đối tác còn gặp khó khăn. Doanh nghiệp hi sinh lợi ích hiện tại vì khách hàng”.

Đại diện một hợp tác xã vận tải khác cho biết, giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng đến mọi chi phí khác trong đó có cả phụ tùng vật liệu thay thế. Trước đây, trên cung đường khoảng 400 km, mỗi xe ô tô tiêu thụ hết 200 lít dầu, với mức giá trước đây 20.400 đồng/lít thì chi phí hết khoảng 4,08 triệu đồng, nay con số đó đội lên mức hơn 4,28 triệu đồng.

Xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp vận tải thực sự gặp khó khăn

Doanh nghiệp đã đề xuất tăng cước phí vận tải với các đối tác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Vị đại diện này cho hay, đối tác chỉ chấp nhận khoản tăng của giá dầu, còn các chi phí khác chắc chắn doanh nghiệp phải tự chịu.

Vị đại diện này nói thêm: “Trước thời điểm xăng, dầu tăng giá, do tình hình kinh tế khó khăn, lợi nhuận của doanh nghiệp đã giảm khoảng 30%. Hiện tại, doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động để hòa vốn, còn chuyện thu được lãi là rất khó”.

Còn tại công ty TNHH Vận tải Minh Thành (Pháp Vân – Hà Nội), các hợp đồng với đối tác và khách hàng đã được ký trong thời gian 1 năm, Vì vậy, giá xăng, dầu tăng bất chợt trong thời gian này, doanh nghiệp sẽ không thể tăng cước phí vận tải ngay lập tức.

“Chúng tôi sẽ đợi thêm một thời gian nữa để xem xét tình hình giá cả mới thông báo lại cho khách hàng. Hiện tại, doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ để chạy xe”, ông Nguyễn Đình Thành – Giám đốc công ty nói.

Theo lời anh Thành, với quy mô 20 xe vận chuyển từ Hà Nội – TP.HCM, mỗi xe như vậy đang chịu lỗ từ 1,5 triệu đồng – 2 triệu đồng/chuyến. Doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2011 chỉ trội rất nhỏ so với năm 2010, còn doanh thu giai đoạn hiện nay của năm 2012 đang thấp hơn cùng kỳ so với năm ngoái.

Muôn kiểu bi hài "xin" thêm

Trong khi đó, có câu chuyện bi hài khác diễn ra trong thời điểm xăng, dầu tăng giá hiện nay. Một nhà xe chở khách từ TP,HCM đi miền Tây đã phải "xin" thu thêm mỗi khách vài nghìn, vì không chỉ giá xăng dầu tăng mà phí đường cao tốc TP.HCM -  Trung Lương cao.

Trên đường đi, khi bắt đầu rẽ vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhà xe đã lên tiếng, nhà xe khó khăn do xăng dầu tăng giá nên mỗi hành khách đóng thêm vài nghìn đồng để đóng phí, còn không thì đành phải đi quốc lộ 1A.

Một số xe khách chạy tuyến cố định như Hải Phòng - Hà Nội; Hà Nội - Thái Bình, trước đây phục vụ nước, khăn... nhưng chỉ một thời gian ngắn, hiện nay, nhà xe cũng "lờ" luôn những dịch vụ này.

Anh Khang, một hành khách thường đi tuyến Hải Phòng - Hà Nội cho biết, nhiều khi vội lên xe mồ hôi nhễ nhại, khát nước mình ới phụ xe cho xin chai nước nhưng ới mãi không thấy họ trả lời nên thôi.

Thậm chí, thời buổi xăng tăng giá hiện nay, khách hàng "đi xe quen" hay "đi xe người nhà" cũng phải té ngửa vì chịu giá đắt hơn xe "người dưng".

Chị Thành (Dịch Vọng Hậu - Hà Nội) cho biết: "Mỗi lần từ quê lên, chị vẫn hay đi xe khách của người trong họ. Chị đi xe đó phải chục năm nay rồi. Mấy tháng rồi không đi, chị cũng không để ý giá. Sau khi về đến nhà mới biết em gái đi xe khác cùng quãng đường trên giá rẻ hơn 10.000 đồng. Đúng là lúc khó khăn, không biết đường nào mà lần".

Thậm chí, với những khách "lạ", trong thế cùng đường vì lỡ chuyến cũng phải lắc đầu ngao ngán vì bị hớ. Anh Tuấn (Nhân viên Công nghệ thông tin) kể, anh đứng đón xe trên quốc lộ đi chơi nhà một người bạn đại học, thế nhưng khi tìm được xe ưng ý do cả tin nên vẫn lên xe dù chưa biết giá.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đã lên kế hoạch tăng giá vé (Ảnh internet chỉ có tính minh họa)

"Khi bước lên xe lạ, tôi hỏi giá thì nhà xe cứ ậm ờ bảo cứ lên xe đi rồi tính. Sau khi thanh toán tiền xong, tôi ngủ quên đến gần nhà bạn mới hỏi người bên cạnh về giá thì mới biết bị hớ. Tôi đi chỉ bằng 2/3 quãng đường của người bên cạnh mà vẫn chịu mức giá bằng người đi cả quãng đường. Không biết nói gì hơn, đành im lặng , anh Tuấn chua chát nói.

Chưa tăng vì có tăng cũng không bõ!

Trao đổi với PV, ông Vũ Tiến Chung – Trợ lý Giám đốc công ty TNHH vận tải Hoàng Long cho biết, hiện tại công ty đang xem xét nhu cầu của khách hàng và chưa có kế hoạch về việc tăng giá vé. Ưu tiên trước mắt là thực hiện các kế hoạch khác, trong đó có việc tăng thêm chuyến phục vụ hành khách từ 4/3, để đảm bảo cứ mỗi một tiếng sẽ có một xe Hoàng Long trên quốc lộ 1A.

Theo lời ông Chung, với việc giá xăng, dầu tăng lên như hiện tại, thì các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn. Với giá vé đang áp dụng, từ sau Tết, công ty Hoàng Long đã phải bắt đầu bù lỗ. Giá dầu diesel tăng thêm 1.000 đồng/lít khiến chi phí của công ty đội lên 100 triệu đồng/ngày.

“Trong thời gian tới giá vé sẽ tăng, nhưng hiện tại chưa có kế hoạch mà chúng tôi tập trung các kế hoạch khác. Nếu tăng cũng chỉ trên dưới 10 -15%”, ông Chung nói thêm.

Công ty TNHH Du lịch Văn Minh – doanh nghiệp vận tải có các xe giường nằm chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội và Vinh – Hà Nội... sẽ bắt đầu tăng giá vé từ ngày 15/3. Được biết, mức giá vé sẽ tăng từ mức 170.000 đồng/lượt lên 185.000 đồng/lượt (tức tăng khoảng 8%).

Ông Nguyễn Đàm Văn – Giám đốc công ty TNHH Du lịch Văn Minh (Hà Tĩnh) cho biết: “Khó khăn của công ty là việc tăng giá vé có thể sẽ khiến lượng khách giảm. Nếu xăng, dầu tăng mà không tăng giá vé thì phải bù lỗ. Ngoài ra, việc giá xăng, dầu tăng thì chi phí đội lên không lớn, nhưng các chi phí như ăn uống, đồ phụ tùng…cũng tăng theo”.

Theo khảo sát của PV, trong buổi sáng ngày 15/3/2012, tức gần 1 tuần sau thời điểm tăng giá xăng. Giá vé ô tô tuyến từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại tại bến xe Lương Yên, Giáp Bát, Mỹ Đình... vẫn chưa thay đổi.

Cụ thể tuyến Nam Định - Hà Nội ở mức 60.000 đồng/lượt, Hải Phòng - Hà Nội 65.000 đồng/lượt, Ninh Bình - Hà Nội 60.000 đồng/lượt, Thanh Hóa - Hà Nội 80.000 đồng/lượt.
 

Nhân viên một nhà xe cho biết: "Giá xăng dầu đã tăng, nhưng các xe khác chưa tăng thì chúng tôi chưa thể tăng được. Vì tăng giá lên, khách họ sẽ chọn xe khác rẻ hơn để đi".

Trong khi đó, nhân viên bảo vệ tại một bến xe khác cho hay: "Giá vé vẫn giữ ổn định chưa có sự thay đổi nào".

Theo VTC News

Từ khóa: