Sự kiện hot
7 năm trước

Muốn nhận cha cho con, mẹ phải làm gì?

Chị vui mừng báo tin cho anh biết là mình đã có thai, anh hững hờ đón nhận. Chị săn đón thì anh lảng tránh. Chị bàn tính việc sinh con, đặt tên cho con thì anh trì hoãn khuyên nên bỏ cái thai đi với đủ các lý lẽ, khó khăn... nhưng chị nhất quyết không chịu. Thuyết phục không xong, anh nổi giận tuyên bố chia tay, cắt đứt quan hệ và còn thách thức: “Không có chứng cứ, cô làm gì được tôi”?


Ảnh minh họa.

Yêu nhau lén lút, có con công khai

Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng năm lên 7 tuổi, trong một trận ốm nặng, chị Thị Bình (người dân tộc Khmer) ở huyện Gò Quao (Kiên Giang) bị khiếm khuyết về mặt thể chất. Thế nên, mặc dù đã ngoài 30 tuổi nhưng chẳng có chàng trai nào thèm để ý đến người con gái vừa có dung nhan ở mức trung bình kém, lại hơi vụng về trong cách ăn nói. Nhưng rồi, số phận run rủi, chị đem lòng cảm mến anh D là người đã có vợ và hai con ở xóm dưới trong một lần đi bán vé số dạo. 

Bẵng đi một thời gian, chị gặp lại anh D trong một lần đi chơi lễ hội đua ghe ngo Oóc om bóc trên địa bàn, hai người trở lên thân thiết hơn. Những lần sau đó, họ thường xuyên gặp nhau, tình cảm cũng vì thế mà lớn dần theo thời gian. Đã nhiều lần chị muốn quên đi mối tình tội lỗi này, nhưng càng cố quên thì chị lại càng nhớ anh da diết hơn. 

Cuộc tình vụng trộm giữa chị với anh D kéo dài được gần hai năm, chị vui mừng báo tin cho anh biết là mình đã có thai, anh hững hờ đón nhận. Chị săn đón thì anh lảng tránh. Chị bàn tính việc sinh con, đặt tên cho con thì anh trì hoãn khuyên nên bỏ cái thai đi với đủ các lý lẽ, khó khăn... nhưng chị nhất quyết không chịu. Thuyết phục không xong, D nổi giận tuyên bố chia tay, cắt đứt quan hệ và còn thách thức: “Không có chứng cứ, cô làm gì được tôi”?

Không còn sự lựa chọn nào khác, chị đành nói cho vợ và mẹ của D biết hết mọi chuyện, kể cả chuyện đã gặp gỡ nhau như thế nào, ở những đâu, chuyện có thai với anh đã hơn 7 tháng, nhưng họ mỉa mai: “Chắc gì đã phải của nó, có gan làm thì có gan chịu”. Chuyện của Bình được đưa ra tổ hòa giải, nhưng tổ hòa giải cũng chỉ biết đưa ra lời khuyên về góc độ đạo đức vì Bình không cung cấp được bất kể chứng cứ nào, còn D thì chối bay chối biến.

Hơn một năm sau, Bình đến UBND xã đăng ký khai sinh cho đứa con trai của mình nhưng chưa thể thực hiện được, do gặp rắc rối về mặt pháp lý. Theo cán bộ hộ tịch giải thích: Nếu con mang họ của cha thì không có cơ sở, còn mang họ của mẹ thì không thể được vì tập quán của người dân tộc Khmer chỉ có nữ mới mang họ Thị.  

Cực chẳng đã, Bình khởi kiện tranh chấp về xác định cha cho con tại tòa, nhưng không biết phải cung cấp chứng cứ chứng minh như thế nào. Nếu được tòa công nhận D là cha thì con của Bình có được mang họ của cha, và họ tên cha có được ghi nhận trong Giấy khai sinh (GKS) của con? Trường hợp không được tòa công nhận, con trai của Bình sẽ mang họ nào khi đăng ký khai sinh? 

Giám định ADN, yêu cầu sẽ được giải quyết

Thông thường, những vụ truy nhận cha cho con phần lớn đều không có chứng cứ hoặc nếu có đi chăng nữa cũng rất khó thuyết phục (nếu có) như: lời khai, thư từ, email, hình ảnh chụp chung, ngày giờ thuê nhà nghỉ… Tuy nhiên, từ quan hệ tình cảm để khẳng định có quan hệ tình dục để sinh ra đứa bé thì không có một căn cứ nào đảm bảo. Vì vậy, chỉ có con đường xét nghiệm ADN mới là căn cứ bảo đảm chắc chắn nhất cho phán quyết của tòa công nhận anh D là cha đứa bé, đồng thời buộc anh phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con nếu chị Bình có yêu cầu. Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ việc, chị Bình phải có yêu cầu Tòa cho tiến hành thủ tục xét nghiệm ADN, đồng thời đóng tạm ứng chi phí giám định (khoảng từ 3 đến 6 triệu đồng, tùy thuộc vào thời gian lấy kết quả xét nghiệm).

“Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự” (khoản 2 Điều 14 Luật Hộ tịch). Trong Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 26 quy định: “Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ”. 

Căn cứ vào điều luật trên, nếu tòa có đầy đủ chứng cứ như kết quả giám định ADN, chấp nhận yêu cầu truy nhận cha cho con thì GKS của con chị Bình có đầy đủ họ tên của cha, có quyền mang họ của cha, theo dân tộc của cha nếu cha mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau dựa trên căn cứ là bản án đã có hiệu lực pháp luật. Nếu tòa không chấp nhận yêu cầu xác định cha cho con, thì GKS của con trai chị Bình về mặt pháp lý phải mang họ Thị, nhưng về tập quán lại không cho phép vì ai cũng lầm tưởng cháu là con gái. 

Cho đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành điều luật trên khi đăng ký khai sinh trong những trường hợp cá biệt này. Nếu đề xuất theo hướng những trường hợp như con trai của chị Bình được mang họ của ông ngoại thì hợp tình nhưng trái lý, vì văn bản hướng dẫn không thể trái với luật. Vì vậy, chị Bình chỉ còn cách thay đổi họ của mình từ họ của mẹ (họ Thị) sang họ của cha theo pháp luật về dân sự và pháp luật về hộ tịch, sau đó mới tiến hành đăng ký khai sinh cho con. Tuy nhiên, giả sử chị Bình là con của người mẹ đơn thân, không biết cha là ai thì mọi việc thật sự rơi vào bế tắc.  

Là người, bất cứ ai cũng muốn biết nguồn cội, biết cha mẹ mình là ai, giấy tờ nhân thân đều có đầy đủ cha và mẹ. Hy vọng mọi việc kết thúc tốt đẹp, yêu cầu chính đáng của chị Bình sẽ được đáp ứng. 

Bùi Đức Độ
Theo Phapluatplus

Từ khóa: