Mỹ cảnh báo việc Nhật Bản áp thuế khẩn cấp đối với sản phẩm thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ "có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới quan hệ thương mại quan trọng" giữa hai nước.
Nhật Bản áp thuế khẩn cấp với thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ. Ảnh: reuters
Trong một tuyên bố ngày 28/7, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue nhấn mạnh rằng việc Nhật Bản tăng thuế đối với thịt bò đông lạnh sẽ gây tác động tiêu cực tới lượng thịt bò bán ra của Mỹ, và tiềm ẩn nguy cơ "làm gia tăng thâm hụt thương mại toàn diện giữa Mỹ và Nhật Bản".
Theo ông, Washington đã có các nỗ lực cần thiết và những đề nghị "cụ thể và rõ ràng" gửi tới Tokyo, phản hồi về quyết định áp thuế khẩn cấp này.
Phản ứng trên của Bộ trưởng Perdue được đưa ra sau khi Chính phủ Nhật Bản thông báo từ tháng 8 tới, nước này sẽ áp thuế khẩn cấp đối với thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ và một số quốc gia khác không có thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với nước này. Lý do Tokyo đưa ra là hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của các doanh nghiệp Mỹ vào Nhật Bản đang vượt ngưỡng cho phép.
Theo thông báo, Nhật Bản sẽ tăng thuế đối với thịt bò đông lạnh Mỹ từ mức 38,5% hiện nay lên 50% trong thời gian từ ngày 1/8/2017 đến ngày 31/3/2018.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 14 năm qua, Nhật Bản áp dụng biện pháp khẩn cấp này đối với thịt bò nhập khẩu từ Mỹ.
Theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Nhật Bản được phép tự động áp đặt thuế bảo hộ khi tổng lượng nhập khẩu một loại hàng hóa nào đó theo quý tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.
Các số liệu thương mại của Nhật Bản công bố sáng cùng ngày cho thấy nhập khẩu thịt bò đông lạnh từ Mỹ trong quý II/2017 đã lên mức 89.253 tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ, với tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2016.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ là nước cung cấp thịt bò đông lạnh lớn thứ hai của Nhật Bản, sau Australia.
Cả hai nước này chiếm tới 90% tổng lượng thịt bò nhập khẩu của Nhật Bản.
Tuy nhiên, thịt bò nhập từ Australia vào Nhật Bản được miễn thuế khẩn cấp do Canberra có FTA với Tokyo.
Theo Bnews/TTXVN