Mỹ đã “soán ngôi” EU về nhập khẩu cá tra Việt Nam là thông tin được ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đưa ra tại hội nghị giao ban giữa Hiệp hội Cá tra Việt Nam với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình sản xuất và xuất khẩu cá tra, được tổ chức ngày 6/5 tại thành phố Cần Thơ.
Một dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Theo ông Dũng, xuất khẩu cá tra ba tháng đầu năm 2014 đạt giá trị hơn 408 triệu USD, tăng 5,17% so với cùng kỳ 2013.
Đặc biệt, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng, trong khi EU lại có xu hướng giảm trong ba tháng đầu năm. Do vậy, Mỹ đã vươn lên dẫn đầu về nhập khẩu cá tra của Việt Nam, đứng thứ 2 là EU.
Cụ thể, nhập khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ trong ba tháng đầu năm 2014 đạt giá trị gần 84 triệu USD (tăng 15,25% so với cùng kỳ); nhập khẩu cá tra Việt Nam sang EU ba tháng đầu năm đạt giá trị 82,87 triệu USD (giảm 13,13% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil và các nước ASEAN trong ba tháng đầu năm 2014 đạt giá trị gần 68 triệu USD.
Theo Tổng cục Thủy sản, đến cuối tháng 4/2014, diện tích nuôi mới cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.048ha, diện tích thu hoạch là 990ha, sản lượng đạt gần 253.000 tấn với năng suất đạt khoảng 256 tấn/ha. Diện tích đang thả nuôi của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến cuối tháng 4/2014 là 2.814ha.
Các tỉnh có diện tích nuôi và sản lượng cao chiếm 85,5% tổng diện tích và sản lượng của toàn vùng như An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ.
Nhìn chung, diện tích nuôi cá tra thương phẩm hiện tập trung ở các doanh nghiệp để chủ động được nguồn nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết vào những tháng đầu năm 2014, giá bán cá tra nguyên liệu không tăng tương đối thuận lợi cho người nuôi, giao động ở mức 22.600-23.200 đồng/kg.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 3 đến đến cuối tháng 4/2014 giá thu mua cá tra nguyên liệu có tăng giao động từ 24.600-25.600 đồng/kg (cao hơn so với cùng kỳ 2013 từ 2.900-3.600 đồng/kg).
Vào những ngày đầu tháng 5/2014, giá cá tra nguyên liệu có dấu hiệu giảm vào khoảng 24.500 đồng/kg. Tuy giá cá đang cao, nhưng hầu như cá đang ở giai đoạn chưa đến cỡ thu họach, vì thế nguồn cá nguyên liệu ít dẫn đến việc giá cá tăng cao.
Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tuy giá cá tăng nhưng người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư nuôi lại vì giá cá biến động thất thường khó dự báo trước.
Theo đánh giá của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện giá cá tra thương phẩm đang có dấu hiệu phục hồi, giao động từ 24.500-25.600 đồng/kg, người nuôi đã có lãi sẽ là động lực cho người nuôi tái sản xuất và chăm lo chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, người nuôi cá tra ngày càng quan tâm hơn đến yếu tố chất lượng sản phẩm, từ bước áp dụng các quy trình chăn nuôi sạch như GlobalGAP, VietGap nhằm đạt những tiêu chuẩn tốt nhất, tăng thế cạnh tranh khi tiêu thụ.
Đặc biệt, thời gian qua Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo sâu sát và có chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ cá tra. Cụ thể, một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua là từ phía Ngân hàng Nhà nước với lộ trình hạ lãi suất nhanh hơn dự kiến (chỉ còn 8%/năm), đi kèm với đó là động thái nới lỏng tín dụng. Từ đó, tạo điều kiện để các doanh nghịêp tiếp cận vốn, ổn định sản xuất.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị đến năm 2015, Tổng cục Thủy sản nên tiếp tục thực hiện dự án chuyển giao cá bố mẹ cho các địa phương để thay đổi đàn cá địa phương bằng đàn cá bố mẹ có cải thiện di truyền. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh nguồn vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản như bờ bao, kênh tạo nguồn, đường điện cho các vùng sản xuất tập trung và vùng sản xuất giống trọng điểm để đảm bảo phát triển bền vững nghề nuôi cá tra.
Thiết lập hệ thống, thống kê số liệu liên quan đến cá tra, dự báo giá thức ăn, giá cá thương phẩm, thị trường tiêu thụ tương đối chính xác; hỗ trợ hoàn 5% thuế giá trị gia tăng đầu vào thức ăn chăn nuôi cho đối tượng trực tiếp nuôi cá để tạo sự công bằng với các doanh nghiệp. Đặc biệt là các giải pháp giãn nợ, khoanh nợ cho các doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn nhất thời nhưng có tiềm năng được tiếp tục vay mới với lãi suất ưu đãi 6%/năm với thời gian cho vay phù hợp từ 9-12 tháng, để các doanh nghiệp có điều kiện duy trì và tái sản xuất.
Thanh Sang
theo Vietnam+