Tuần qua, Trung Quốc phát đi tín hiệu về việc sẽ giảm giá đồng NDT để cứu vãn nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của nước này. Điều này lại dấy lên những tranh cãi giữa hai nước Mỹ - Trung về một vấn đề đã kéo dài nhiều năm chưa ngã ngũ.
Tuần qua, Trung Quốc phát đi tín hiệu về việc sẽ giảm giá đồng NDT để cứu vãn nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của nước này. Điều này lại dấy lên những tranh cãi giữa hai nước Mỹ - Trung về một vấn đề đã kéo dài nhiều năm chưa ngã ngũ.
Con bài thúc đẩy tăng trưởng
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc mới đây công bố, trong tháng 7, CPI của nước này chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, và giảm mạnh so với mức đỉnh của 3 năm trước là 6,5%. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn cao hơn mức dự báo 1,7% mà giới quan sát đưa ra trước đó.
Theo các chuyên gia, lượng đơn đặt hàng từ châu Âu và các đối tác thương mại giảm khiến xuất khẩu của Trung Quốc sa sút, kết hợp với bất động sản trong nước giảm nhiệt đã làm nhịp độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trong quý 2 năm nay chỉ tăng 7,6%, thấp nhất kể từ quý I/2009.
Theo dự báo của ông Patrick Chovanec, Phó Giáo sư trường Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng chỉ đạt mức tăng trưởng từ 4 - 5% trong năm nay: "Tôi nghĩ chúng ta sắp phải chứng kiến tình trạng suy giảm sâu. Nguyên nhân là bởi ngày càng có nhiều khoản nợ xấu, làm ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư".
Hãng tin Bloomberg mới đây cũng công bố kết quả một cuộc khảo sát rất thú vị liên quan tới sự chững lại của nền kinh tế số 2 thế giới. Theo hãng này, doanh số đồng hồ đeo tay đắt tiền tại Trung Quốc đang giảm. Trong số 13 cửa hiệu chuyên bán các loại hàng hóa đắt tiền tại Hồng Kông được khảo sát, thì có tới 11 cửa hiệu cho biết lượng khách Trung Quốc từ đại lục mua hàng của họ trong tháng 7 đã giảm xuống mức rất thấp. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc công bố chính thức hôm 4/8, doanh số bán đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường và đồ trang sức tại Hồng Kông chỉ tăng 3,1% trong tháng 6, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 59% cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia ngân hàng HSBC, ông Frederic Neumann cho rằng, số lượng đồng hồ đeo tay đắt tiền tại các cửa hiệu là thước đo cho sức khỏe của kinh tế Trung Quốc: "Nếu chúng không được trưng bày, có nghĩa là kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại".
“Thực tế này sẽ thúc đẩy cho chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc. Đến nay, đã thấy khá rõ là CPI của Trung Quốc năm nay sẽ tăng dưới mức mục tiêu 4%. Bởi thế, trọng tâm chính sách của Chính phủ Trung Quốc có thể hướng vào tăng trưởng”, ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Nomura tại Hồng Kông, nhận xét. Cũng theo các chuyên gia, để vực dậy nền kinh tế trong thời điểm hiện tại, không còn cách nào khác Chính phủ Trung Quốc sẽ phải giảm giá đồng nội tệ để hàng hóa nước này tăng sức cạnh tranh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó sẽ không phải là một quyết định dễ dàng bởi chắc chắn Mỹ và các nước châu Âu sẽ lên tiếng.
Mỹ không thể ngồi nhìn
Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, mới đây công bố thông tin, Chính phủ Trung Quốc có thể sắp đưa ra quyết định hạ giá đồng nhân dân tệ, rẻ đến mức “chấp nhận được”, để đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế đang yếu đi. Động thái này có thể gây ra những xung đột thương mại mới giữa Trung Quốc với Mỹ và các nền kinh tế khác.
Theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc đang đứng ở thời điểm quyết định, phải chọn giữa tăng trưởng cao và điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhanh hơn, chứ không thể vừa tăng trưởng vừa điều chỉnh cơ cấu. Nhưng đối mặt với sự phát triển chậm lại của nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc phải có biện pháp ứng phó một cách thích hợp với môi trường kinh tế đang thay đổi. Dẫu biết việc hạ giá đồng NDT sẽ có khả năng dẫn tới nguy cơ đối đầu với Mỹ, nhưng trong tình thế hiện tại dường như Chính phủ Trung Quốc không có nhiều lựa chọn.
Còn nhớ vào dịp tháng 5 vừa qua, trong báo cáo nửa năm một lần về tỷ giá hối đoái gửi Quốc hội Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ còn khẳng định NDT của Trung Quốc vẫn “được định giá thấp hơn đáng kể nhưng chính sách của Bắc Kinh không nhằm thao túng đồng NDT” để hưởng lợi thế thương mại không công bằng. Bộ này cho biết, họ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ quá trình tăng giá của đồng NDT. Trong báo cáo, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh: “Bằng chứng sẵn có cho thấy NDT vẫn bị định giá thấp hơn đáng kể, nhưng chúng tôi tin rằng đồng NDT chắc chắn sẽ tiếp tục tăng giá so với đồng USD và các đồng tiền mạnh khác”.
Do vậy, quyết định hạ giá đồng NDT lần này của Chính phủ Trung Quốc rất có thể sẽ là một đòn đánh thẳng vào những nhận định của Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những động thái từ phía Trung Quốc đang cho thấy, họ đã sẵn sàng chấp nhận mọi sự chỉ trích để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình vào thời điểm chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc.
Điều này đồng nghĩa với việc cán cân thương mại của Mỹ - Trung sẽ tự động tăng vọt và các công ty Trung Quốc được hưởng lợi tại thị trường Mỹ và châu Âu. Các phản ứng tiếp theo nhất định sẽ diễn ra. Chắc chắn, Mỹ sẽ tăng cường chỉ trích Trung Quốc. Thậm chí những chỉ trích này không chỉ về mặt kinh tế, nhất là nước Mỹ cũng đang bước vào những tháng quyết định của bầu cử.
Không chỉ có nguy cơ đối đầu về kinh tế liên quan tới đồng NDT, tháng 3/2012, Lầu Năm Góc lần đầu tiên tiết lộ, Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của mình trong đó có châu Á - Thái Bình Dương với các tên lửa đánh chặn bố trí tại các căn cứ trên biển và các căn cứ ở khu vực bờ Tây nước Mỹ. Tiết lộ này đã khiến quốc gia đông dân nhất thế giới “điên đảo”, nhiều tướng lĩnh quân đội lập tức kêu gọi Trung Quốc phát triển năng lực hạt nhân để tạo sức răn đe với Mỹ.
Là hai nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với nhau, Trung Quốc thậm chí còn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, việc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai cường quốc này dường như là những câu chuyện không có hồi kết.
Theo Vietnamnet, Bild, Reuter