Một tuần nay, chợ na vùng biên ải Chi Lăng vào vụ thu hoạch bán buôn nhộn nhịp.
Quả na Chi Lăng (Lạng Sơn) bắt đầu chín vào vụ, na chủ yếu là trồng trên núi đá. Hàng ngày, người dân ở Chi Lăng, Hữu Lũng, Cai Kinh, Hòa Lộc nườm nượp vận chuyển na về chợ tiêu thụ.
Các thúng na được xếp hàng tập kết tại chợ. Mỗi gánh na nặng từ 25 đến 35 kg được bán vo.
Theo anh Phan Văn Sáu, phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chi Lăng, đầu mùa nên người dân thường lựa những quả lớn để bán để có giá cao. Mỗi gia đình trồng 200 cây thu hàng chục đến hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Na trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap được chọn lọc và thu mua với giá cao. Na dai quả to từ 800 gram hay na bở trên 500 gram giá cũng tốt hơn hẳn.
Huyện Chi Lăng đã bố trí hơn một hecta đất cạnh chợ Đồng Bành để làm nơi tập kết giao thương cho na. Na tại đây hầu hết bán buôn để đóng thùng đi khắp các tỉnh trên cả nước và xuất đi Trung Quốc. Trước kia, người dân thường họp chợ bên quốc lộ 1A khiến đoạn đường này thường xuyên bị ùn tắc khi vào vụ thu hoạch.
Na được thu gom từ 6-9h sáng sau đó đóng thùng và chuyển đi tiêu thụ. Quả đẹp có kích thước lớn từ 350 gram giá khoảng 50.000-70.000 đồng một kg. Na nhỏ 10-15 quả một kg giá từ 10.000 đồng, na nhỡ 24.000 đồng.
"Hai ngày gần đây, mỗi ngày gia đình tôi đóng hàng đi Quảng Ninh khoảng 15 tấn", chị Hoàng Hoà cho biết.
Mỗi điểm tập kết mua bán (chợ na) một ngày có thể xuất đi từ 90 đến 100 tấn na. Tại đây, lái buôn thu gom và phân loại hàng, dùng ôtô để chuyên chở hàng đi xa.
Chợ Na nằm bên cạnh đường quốc lộ 1A khiến lái buôn và người làm nghề tuyển na dễ dàng đón lõng những quả ưng ý. Na được chia thành nhiều loại, theo kích thước khác nhau.
Người bán sẽ được phát một phiếu thu mua với giá tiền viết tay, sau đó cân vo cả thúng.
Mỗi thúng na được chọn đề cân đo và trừ bì hợp lý. Đầu mùa, lái buôn để tâm tới na nhỏ (na bi) vì dễ tiêu thụ, rẻ và vận chuyển ít tốn kém.
Bà Làn làm công việc phân loại na. Sau 4 giờ buổi sáng bà thu về khoảng 200.000 đồng.
Theo VnExpress