Báo cáo Điểm lại Tình hình kinh tế Việt Nam cho rằng, triển vọng kinh tế vĩ mô trung hạn vẫn tiếp tục có những điều kiện thuận lợi trong cán cân thanh toán.
"Năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện bằng tỉ lệ lạm phát vừa phải và cải thiện trong cán cân đối ngoại. Việt Nam cần tập trung quan tâm tới tốc độ cải cách cấu trúc, đang diễn ra khá chậm, để lập lại vị trí của mình trong lộ trình tăng trưởng cao hơn" - bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết.
"Với sự gia tăng áp lực lên nguồn ngân sách, Chính phủ đang đứng trước một số lựa chọn chính sách quan trọng, trong khi cố gắng cân bằng hai mục tiêu kép là tăng trưởng nhanh hơn và ổn định kinh tế vĩ mô" - ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế Trưởng của WB tại Việt Nam nhận định.
Báo cáo thực hiện 2 lần mỗi năm nhằm điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam. Báo cáo lần này đã nhận dạng một số rủi ro chính tới ổn định kinh tế vĩ mô như: Dự trữ ngoại tệ thấp; cầu của khu vực kinh tế tư nhân rất mong manh; nguy cơ không giữ vững được kỷ cương tài khóa và tiền tệ; tiến bộ trong các cải cách cơ cấu chậm chạp và mất niềm tin vào ngành ngân hàng.
Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước chậm hơn mong đợi. Ảnh: Trần Quý
Điểm lại Tình hình kinh tế nhận định tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chậm hơn mong đợi và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể thực hiện các mục tiêu cải cách DNNN; cần chú ý tới sự phức tạp và đặc thù của từng DN; tăng cường cơ chế kiểm soát và phối hợp. Nợ xấu ngành ngân hàng (cách tính nợ xấu thực sự) vẫn rất quan ngại; chú ý tới vấn đề phá sản, mất khả năng thanh toán, quyền của chủ nợ - những vấn đề sẽ tạo điều kiện cho quá trình tái cơ cấu nợ DN.
Báo cáo cũng đề cập tới 3 chủ đề đặc biệt: Thuận lợi hóa thương mại, năng lực cạnh tranh và tăng trưởng tại Việt Nam; tham nhũng và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam; nghèo đói và bất bình đẳng tại Việt Nam.
Về thuận lợi hóa thương mại, năng lực cạnh tranh và tăng trưởng tại Việt Nam, báo cáo cho biết xuất khẩu vẫn duy trì mạnh trong những năm gần đây mặc dù môi trường bên ngoài không thuận lợi, tuy nhiên xuất khẩu vẫn chủ yếu là hàng giá trị thấp. Báo cáo đề xuất tập trung hơn vào các mặt hàng có giá trị cao nhưng muốn vậy đòi hỏi phải tăng cường cơ sở hạ tầng vận tải và kho vận ngoại thương, thủ tục cho thương mại và tổ chức chuỗi cung ứng.
Tham nhũng từ lâu đã được coi là vấn đề nghiêm trọng, làm suy yếu tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Theo các kết quả điều tra gần đây, phần lớn các trường hợp hối lộ là xuất phát từ hành động của các doanh nghiệp không gây phương hại đến chính họ chứ không phải từ quan chức chính phủ. Tuy nhiên, vẫn có các chính sách tập trung vào cải cách hành chính và minh bạch, đồng thời giúp giảm tệ quan liêu gây cản trở tới DN qua đó giảm cơ hội tham nhũng. Việt Nam cần xem xét những chính sách này.
Dựa trên phân tích ban đầu từ dữ liệu điều tra mới đây nhất, báo cáo cũng ghi nhận phúc lợi của hầu hết người Việt Nam đã tăng đáng kể trong giai đoạn 2010 - 2012, ngay cả khi tăng trưởng bị chậm hơn các năm trước. Tỉ lệ nghèo và mức độ bất bình đẳng có vẻ đã giảm. An sinh xã hội của các nhóm dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể theo thời gian.
Tuy vậy, tình trạng nghèo vẫn tập trung trong cộng đồng này, vì họ xuất phát đã nghèo và tụt hậu hơn so với những tiến bộ vượt bậc đã đạt được trong cả nước.
Báo cáo khuyến cáo lộ trình thoát nghèo đã được xem xét cho các nhóm này cũng tương tự như cho các nhóm đa số dân khác. Quá trình có thể bao gồm chuyển hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thâm canh, chuyển sang đa dạng hóa nông nghiệp hoặc chuyển sang thương mại, dịch vụ và đầu tư vào giáo dục cho trẻ em.
Báo cáo cho rằng muốn đẩy mạnh tăng trưởng trung hạn cần chú ý một số cải cách cơ cấu, tập trung vào ngành ngân hàng và DNNN.
Trần Quý
theo Thanh tra