Trong bối cảnh cả nhu cầu tiêu thụ và sản lượng sản xuất đều tăng, Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Hồ tiêu Kampot (KPPA) kỳ vọng sẽ xuất khẩu được 80 tấn hồ tiêu Kampot trong năm nay.
Campuchia tăng cường xuất khẩu hồ tiêu Kampot trong năm nay. (Ảnh minh họa)
Ông Nguon Lay, Chủ tịch KPPA, cho biết Campuchia đã xuất khẩu khoảng 45 tấn hồ tiêu Kampot trong 8 tháng đầu năm nay, chủ yếu xuất sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản.
Tính đến thời điểm hiện tại, Campuchia sản xuất được khoảng 100 tấn hồ tiêu Kampot, nhưng chỉ có 80 tấn hồ tiêu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo KPPA, thông thường 30% sản lượng hồ tiêu Kampot để bán cho khách du lịch nội địa và 70% được dùng để xuất khẩu.
Diện tích canh tác hồ tiêu Kampot bắt đầu gia tăng kể từ năm 2009 khi KPPA được thành lập. Trong giai đoạn 2009 - 2017, diện tích hồ tiêu Kampot đã tăng từ 10 ha lên 210 ha, với số hộ gia đình tham gia trồng tiêu tăng từ 100 lên 387 hộ.
Ông Lay cho biết, việc hồ tiêu Kampot được EU cấp chứng chỉ Chỉ dẫn địa lý (GI) vào năm 2006 là yếu tố chính thúc đẩy các hộ gia đình tăng diện tích canh tác trong những năm qua.
KPPA đang nghiên cứu áp dụng chính sách khuyến khích mỗi hộ là thành viên của hiệp hội trồng thêm 50 – 60 ha hồ tiêu.
Theo Bộ Nông nghiệp Campuchia, nước này sản xuất được khoảng 12.000 tấn tiêu đen trong năm ngoái, và phần lớn xuất xứ từ miền đông. Tuy nhiên, hồ tiêu từ vùng này bị rao bán với mức giá thấp do không đạt chỉ tiêu về chất lượng.
Hiện tại, tiêu đen của Campuchia có giá 15.000 USD/tấn, trong khi tiêu đỏ và tiêu trắng có giá lần lượt là 25.000 và 28.000 USD/tấn.
Ngoài ra, thị trường hồ tiêu Kampot cũng đang phải đối mặt với nạn hàng giả. “Chúng tôi vừa phát hiện 8 tấn hồ tiêu giả với nhãn hiệu gốc của KPPA ở Pháp, ” ông Lay cho biết.
Vũ Thắng
Theo KTTD, Vietnambiz