Không chỉ Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đều không thể quên được năm 2020 - năm mà rất nhiều quốc gia phải hứng chịu hậu quả vô cùng lớn bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh - nhất là đại dịch COVID-19.
Việt Nam là quốc gia nhỏ bé, kinh tế - xã hội càng gặp không ít khó khăn khi phải trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh. Vị trí địa lý của Việt Nam trên bản đồ thế giới là quốc gia trong top đầu phải chịu tác động nhiều nhất của thiên tai, bão lũ. Sống chung với lũ bão, thiên tai - câu nói đã trở thành chân lý, nguyên tắc sống của người Việt Nam. Từ nhận thức đến hành động là khoảng cách không nhỏ. Năm nay, thiên tai càng trở nên phức tạp, hung hãn hơn, sức tàn phá ghê gớm hơn bởi có sự tham góp của con người. Đôi khi, trong một số trường hợp cụ thể nhân tai còn là căn nguyên chính(!)
Năm 2020, Việt Nam liên tiếp đón nhận những “cơn bão” khủng khiếp: đại dịch Covid -19. Kinh tế - xã hội gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch bệnh và giãn cách xã hội. Biến đổi khí hậu bất thường, thời tiết cực đoan khó lường, bão lũ thiên tai nối nhau trút xuống, lũ chồng lũ, sạt lở đất, đá nhiều tháng ở một số tỉnh trong cả nước, nhất là miền Trung.
Hệ lụy của những vụ việc trên tác động mạnh mẽ và lâu dài đến mọi mặt của đời sống xã hội, hậu quả của nó phải khắc phục trong nhiều năm sau đó. Thực tế trên, trong đó phải khẳng định, dịch Covid-19 là nhân tố bất ngờ, ác hiểm tác động tới hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Những điểm mạnh, yếu của quốc gia, từ vật chất đến tinh thần, tư tưởng, nội lực, tiềm lực, khả năng ứng phó với thách thức đến nguyên nhân khách quan, chủ quan. Hai lần vượt qua đại dịch, trải qua những phút giây nghẹt thở cứu người qua cơn hiểm nghèo của bệnh tật và bão lũ, sạt lở.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”- câu nói nằm lòng qua nhiều thế hệ đã làm nên bản lĩnh Việt Nam. Chúng ta vượt qua 2 đợt dịch không chỉ bằng ý chí, nghị lực, bản lĩnh quyết tâm mà hơn thế còn là nghệ thuật ứng phó của toàn dân và hệ thống chính trị với dịch bệnh thế kỷ, toàn cầu. Kinh nghiệm xử lý, cách ứng xử với dịch bệnh bằng triết lý riêng có giúp Việt Nam đứng vững không sụp đổ trong điều kiên kinh tế còn hết sức khiêm tốn. Thật không dễ để thế giới tôn trọng, ngợi ca và học tập.
Đây là tiền đề quan trọng có ý nghĩa quyết định để ngay sau đó Việt Nam tiếp tục xử lý, khắc phục hiệu quả, kịp thời thảm họa thiên tai tái lập sau nhiều thập kỷ ở miền Trung. Sức chịu đựng của nền kinh tế là bà đỡ để quốc gia vượt khó khăn có tính bản lề.
Trong cơn “bĩ cực” càng ló rạng tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, tương thân tương ái, tấm lòng nhân ái, chủ nghĩa nhân văn, khả năng sáng tạo. Thế giới hội nhập sâu sắc đều dõi theo Việt Nam vượt qua những thử thách đời thường như thế nào?
Dấn thân, hy sinh, tận hiến, hết lòng, cảm ơn, quyết liệt, khẩn trương, quyết tâm, quả cảm, phi thường, sáng tạo… là những cụm từ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông phản ánh, ngợi ca, ghi nhận động viên những hành động đời thường vì cộng đồng xã hội của rất nhiều người từ người dân đến lãnh đạo.
Cuộc đấu tranh với dịch bệnh và thiên tai không ngừng nghỉ, ngày một nhiều hơn, dày đặc hơn và phức tạp hơn. Nó đòi hỏi không chỉ ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm và cả trình độ, năng lực vượt lên đi trước, những dự báo ngắn hạn và dài hạn; tư duy thực tế và tầm nhìn chiến lược.
Hơn thế, khi thế giới hội nhập sâu rộng, nhiều vấn đề của mỗi quốc gia không đơn lẻ giải quyết bằng nỗ lực của quốc gia ấy mà đòi hỏi phải có sự sẻ chia, phối hợp giúp đỡ của các quốc gia khác. Giải quyết đại dịch Covid, thảm họa thiên tai cũng vậy!
Bởi thế, cho dù Việt Nam đang khống chế tốt dịch covid -19 song nhiều quốc gia trên thế giới dịch bệnh đang ở làn sóng thứ 2, thứ 3, thậm chí chưa biết đến khi nào hết dịch. Trong bối cảnh ấy, thật khó cho kinh tế, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới có cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới kiểm soát được dịch Covid-19, một điều mà các nước cho là kỳ tích Việt Nam. Đáng nói hơn Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2-3%. Theo đó, dự kiến năm 2021 sẽ tăng trưởng từ 7,1-8,1%. Việt Nam phải đánh giá đầy đủ, trung thực, khách quan về nguyên nhân của lũ lụt; quan hệ giữa nhân tai và thiên tai trong từng cơn bão, lũ, sạt lở, đề ra chiến lược, kế hoạch ứng phó trên cơ sở đánh giá đúng, dự báo sát tình hình thời tiết, thiên tai, bão lũ. Thiên tai và dịch bệnh luôn song hành trong đời sống con người, nếu không có biện pháp phòng chống hữu hiệu không loại trừ tụt hậu.
Trong “họa có phúc” - tổng kết ấy dường như vẫn đúng trong hoàn cảnh đất nước ta năm 2020. Vì dịch bệnh, chúng ta sống chậm lại, giãn cách xã hội, tận dụng công nghệ để nối kết con người, xã hội. Giá trị của công nghệ là thế! Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm đã được đề xuất ý tưởng sáng tạo nhằm vạch ra định hướng chiến lược phát triển đất nước.
Chưa bao giờ vai trò của nông nghiệp lại nổi bật như bây giờ. Còn thiếu tư tưởng và hành động nhằm chủ động thích ứng được với biến đổi khí hậu và tạo ra giá trị nhiều hơn cho nông nghiệp; chưa chấp hành tốt và thực hiện nghiêm quy hoạch thủy điện, trì trệ, yếu kém trong hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ rừng.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công rực rỡ. Việt Nam đang thời kỳ dân số vàng, tiềm lực quý giá mà nhiều nước khao khát. Trong tầm nhìn năm 2030, Việt Nam sẽ bắt đầu chuyển sang thời kỳ dân số già hóa. Quỹ thời gian chúng ta còn 10 năm là thời gian vàng là thời cơ nếu chúng ta biết tận dụng sẽ bứt phá thành công. Việt Nam đang có gần 20 triệu thanh niên, chiếm gần 21% dân số, trong số đó có nhiều người trẻ tài năng xuất sắc, có tri thức trình độ, có năng lực hội nhập, khả năng tiếp thu khoa học công nghệ.
Khát vọng Việt Nam 2045 thịnh vượng hoàn toàn có cơ sở hiện thực vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với những thành công Việt Nam gặt hái được trong năm qua, trước những biến động khó lường mang tính toàn cầu, thời đại, chúng ta có niềm tin vào sức mạnh, trí tuệ, phẩm giá, năng lực sáng tạo, tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại năm 2020 để biết mình, biết người, biết mạnh, yếu; khắc phục bệnh thỏa mãn; khiêm tốn học hỏi và đi lên. Năm 2021 là năm bản lề của đất nước với cơ hội chưa từng có cùng những thách thức không nhỏ. Dịch bệnh qua đi, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công tốt đẹp; kinh tế tăng trưởng dương, cả thế giới đã đẩy lui dịch Covid-19. Đó là ước mong của mỗi chúng ta trước thềm năm Tân Sửu 2021!
Văn Hùng
Theo KTDU