Sự kiện hot
4 tháng trước

Năm 2024 Thép SMC đặt mục tiêu lãi 80 tỷ

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán: SMC) vừa thảo luận và thống nhất kế hoạch kinh doanh năm 2024. Theo đó, công ty dự kiến sẽ tiêu thụ 900.000 tấn thép và lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay của SMC có sự suy giảm so với năm trước. Đầu năm 2023, khi giá thép thế giới và trong nước hồi phục trở lại, SMC đã tự tin lên kế hoạch kinh doanh có lãi. Theo đó, công ty dự kiến tiêu thụ 1 triệu tấn thép, doanh thu đạt 20.350 tỷ đồng, giảm 12,2% so với thực hiện trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 150 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 651,8 tỷ đồng.

SMC: Đặt mục tiêu
Năm 2024 Thép SMC đặt mục tiêu lãi 80 tỷ.

Đặt mục tiêu như vậy, tuy nhiên qua 3 quý đầu năm 2023, kết quả kinh doanh của SMC không hồi phục như kỳ vọng. Công ty ghi nhận doanh thu đạt 10.574 tỷ đồng, giảm 44,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 549,42 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 57,68 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 1,8%, còn 0,2%.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) kỳ vọng năm 2024, đầu tư công sẽ bứt phá bởi giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2023 chuyển sang và gói kích thích kinh tế bổ sung của chính phủ. 

Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý, tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều, bởi vậy đóng góp chưa thực sự đáng kể.

Bên cạnh đó, ngành bất động sản nội địa dần phục hồi là bệ đỡ cho nhu cầu ngành vào 2024. Thị trường xây dựng bất động sản (chiếm 60% nhu cầu thép) đang dần được tháo gỡ khó khăn nhờ những chính sách sửa đổi. Số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam. 

Điều này giúp cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể hồi phục trong các quý tới. Điểm tiêu cực đến từ việc số dự án được cấp phép mới ngày càng suy giảm và ở mức rất thấp. 

VCBS ước tính tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 15% trước khi hồi phục 11% vào năm 2024. Động lực thúc đẩy tăng trưởng phần lớn tới từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.

Bên cạnh đó, HĐQT của Thép SMC cũng thông qua việc mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến mua lại toàn bộ 200 trái phiếu, tương ứng giá trị 200 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, được phát hành ngày 2/8/2021 và dự kiến đáo hạn ngày 2/8/2024. Ngày dự kiến mua lại là ngày 2/2/2024.

Được biết, Công ty CP Đầu tư-Thương mại SMC tiền thân là Cửa hàng Vật liệu Xây dựng Số 15 được thành lập vào năm 1988. Năm 1996, công ty trở thành Xí nghiệp Sản xuất Kinh doanh Vật liệu Xây dựng Số 1 trực thuộc Công ty Xây lắp Thương mại 2-Bộ Thương mại. Ngày 19/08/2004, công ty chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với tên gọi Công ty CP Đầu tư-Thương mại SMC (SMC).

SMC là nhà phân phối chiến lược của các nhà sản xuất thép lớn tại Việt Nam, với thị phần chiếm khoảng 6% so với cả nước và khoảng 15% so với khu vực phía Nam. Năm 2017, SMC đầu tư hoàn chỉnh giai đoạn 2 dây chuyền cán ép tẩy mạ tại SMC Cơ Khí, nâng tổng công suất lên 300.000 tấn/năm. Hệ thống đại lý, cửa hàng phân phối của Công ty phủ khắp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Sau hơn 32 năm hoạt động, SMC đã không ngừng lớn mạnh về quy mô. Với thành tích đạt 1,35 triệu tấn thép trong năm 2020, SMC đã đạt 108% mục tiêu năm, doanh thu bán hàng đạt gần 15.735 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 316 tỷ đồng lần lượt hoàn thành 103% và 263% so với kế hoạch.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: