Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường EU

Để xúc tiến xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt lợi thế từ EVFTA và khắc phục những hạn chế.

Hiện Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, gạo, thứ 5 về thuỷ sản … Tuy nhiên theo số liệu của Cơ quan Thống kê EU, 4 tháng năm 2022, EU chi 40 tỷ euro nhập khẩu nông sản, rau quả nhưng Việt Nam chỉ chiếm 0,1% thị phần. Điều này chứng tỏ thị phần của nông sản Việt Nam còn khiêm tốn, cũng có nghĩa doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng triệt để cơ hội do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU mang lại.

Thực tế, trong các siêu thị tại Hà Lan, thậm chí cả EU hầu như không thấy sự hiện diện của nông sản mang thương hiệu Việt. Lý do là vì Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, nhà nhập khẩu dùng làm nguyên liệu phối trộn do đó không có tên hay thương hiệu trên bao bì. Trên thị trường EU, xét về vị trí trên chuỗi cung ứng, các chuyên gia cho rằng nông sản Việt Nam đang ở vị trí thấp nhất, đồng nghĩa giá trị nhận về của người sản xuất vô cùng thấp. 

Nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường EU - Ảnh 1

Vậy làm thế nào để nông sản Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn? Nhiều ý kiến được đưa ra là Việt Nam cần xây dựng thương hiệu nông sản đủ mạnh. Một doanh nghiệp xây dựng thương hiệu riêng trên thị trường, nhất là thị trường có độ cạnh tranh cao như EU là rất khó. Do vậy, nhiều doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực có thể liên kết với nhau xây dựng thương hiệu chung sẽ thuận lợi hơn.

Về mặt sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất OEM cũng có thể suy nghĩ đến việc sản xuất ra sản phẩm mang thương hiệu riêng để tiếp cận và tăng tính nhận diện trên thị trường. Mặt khác, doanh nghiệp nên sử dụng nhiều kênh bán hàng như B2B, B2C, bán lẻ, thương mại điện tử… để thương hiệu nông sản Việt Nam được nhiều người tiêu dùng biết đến. 

Riêng với thị trường Hà Lan, Thành viên Ban Giám đốc DBAV-NVCC tại Hà Lan cho hay: Nên bán sản phẩm với tên của chính doanh nghiệp để thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng. Việc bán hàng tại thị trường này khá dễ dàng và không nhất thiết phải có chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tư cách pháp nhân. Doanh nghiệp Việt Nam có đăng ký với cơ quan chức năng Hà Lan và nộp thuế giá trị gia tăng, đưa hàng vào thị trường, thuê kho và từ đó giao hàng tới tay khách hàng. 

Bằng kinh nghiệm thực tế đưa hàng hoá Việt Nam vào thị trường Hà Lan và EU, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu LTP Import&Export cũng - chia sẻ: Doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư hơn nữa cho khâu bao bì đóng gói sản phẩm. Đồng thời học hỏi, đầu tư cho công nghệ bảo quản nhất là với nông sản tươi để hàng hoá có thể vận chuyển bằng đường biển từ 25-30 ngày mà vẫn giữ được chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.  

Trước mắt, doanh nghiệp nên tập trung tiêu chuẩn hoá sản phẩm được miễn thuế theo EVFTA để xuất khẩu và tham gia các hội chợ chuyên ngành trên thế giới nhằm cập nhật thị trường, tìm hiểu nhu cầu và học hỏi công nghệ sản xuất, bảo quản. 

Không những vậy, EU là một thị trường với những yêu cầu cao, khắt khe về vấn đề kiểm dịch động thực vật. Để tăng cường vị thế và uy tín nông sản Việt Nam tại thị trường này, các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định của EU.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý và các yếu tố phát triển bền vững vì người tiêu dùng EU đang ngày càng quan tâm đến cách sản phẩm được tạo ra có đáp ứng được các yếu tố bảo vệ môi trường hay bảo vệ quyền lợi người lao động.

Bảo Anh/ KTĐU

Từ khóa: