Sự kiện hot
11 năm trước

Nam Định: Cua đồng có đỉa nhiều bất thường

Dantin - Sau một trận mưa lớn, sáng hôm sau thức dậy ra đồng người dân giật mình khi thấy cua đồng bỗng nhiên xuất hiện nhiều vô kể. Cua tràn lan dưới ruộng, trên bờ, dọc các kênh mương, thậm chí bò lổm ngổm trên đường bê tông vào cả trong sân…

Dantin - Sau một trận mưa lớn, sáng hôm sau thức dậy ra đồng người dân giật mình khi thấy cua đồng bỗng nhiên xuất hiện nhiều vô kể. Cua tràn lan dưới ruộng, trên bờ, dọc các kênh mương, thậm chí bò lổm ngổm trên đường bê tông vào cả trong sân…

Bắt cua đồng về bóc vỏ (mai) 10 con thì có từ 4 đến 5 con bên trong chứa đỉa con to bằng que tăm ngoe ngẩy, bò lổm ngổm.


Cua bắt được trên các cánh đồng ở huyện Giao Thủy to đen và rất nhiều thịt.

Cua đồng nhiều bất thường

Buổi trưa mùa hè oi bức, chói chang nắng nóng nhưng dọc trên các cánh đồng ở xã Giao Long, Giao Xuân, Giao Nhân thuộc huyện Giao Thủy, Nam Định vẫn bắt gặp cảnh hàng trăm người dân lấm lem bùn đất nhễ nhại đổ mồ hôi vác cuốc, thuổng, xô, chậu…dàn hàng ở các cánh đồng đào bới để bắt cua đồng.




Người dân đổ xô đi bắt cua giữa trời nắng nóng.

Theo những người dân này, trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, ở các địa phương ven biển của huyện Giao Thủy bỗng dưng xuất hiện cua đồng với số lượng rất lớn. “Cua tràn lan dưới ruộng, trên bờ, dọc các kênh mương, thậm chí bò lổm ngổm trên đường bê tông. Mọi người tranh thủ thời gian rảnh rỗi bất kỳ lúc nào để kiếm thêm thu nhập”, ông Nguyễn Văn Thùy (53 tuổi) trú tại xã Giao Xuân huyện Giao Thủy hai tay cầm hai con cua đứng dưới bờ ruộng nói. Vẫn theo ông Thùy: “Tôi sống ở đây mấy chục năm chưa bao giờ thấy cua xuất hiện nhiều như thế. Cua không chỉ ở trong các lỗ mà còn bò lổm ngổm trên các bờ ruộng, chỉ cần đi quanh các bờ khoảng 15- 20 phút là chúng tôi có thể bắt được cả kg mà chân tay không phải đụng đến bùn đất”.

Theo những người như ông Thùy thì chỉ cách đây khoảng một năm cua đồng là loại cực kì hiếm. Muốn bắt được chục con cua có khi người dân phải lội bùn, đào theo hang cua cả nửa ngày trời, bởi thế chẳng mấy ai nghĩ tới việc đi mò cua chừng nửa năm đổ lại đây nữa. Thế nhưng khi gặt xong vụ đông – xuân sau trận mưa giông vào một đêm cuối tháng 6, sáng hôm sau thức dậy ra đồng người dân bỗng giật mình phát hiện cua tràn lan khắp ruộng đồng, nhất là trong các khu ruộng trũng chỉ cần những vũng nước nhỏ là có thể bắt được 3 đến 4 con. “Khi đầu mới gặt tôi thấy các ruộng có cua nhưng lại không nghĩ chúng nhiều đến thế, gặt xong đi móc các bờ ruộng mọi người phát hiện có rất nhiều lỗ cua, có lỗ còn bắt được hai ba con”, chị Nguyễn Thị An xã Giao Xuân nói.

Người dân nơi đây cũng cho biết chưa bao giờ thấy trên đồng ruộng có nhiều cua đến thế. “Sau khi bắt một lượt ở các lỗ trên bờ rộng chờ khoảng 1 tiếng đồng hồ quay lại trên chính các hang lúc nãy lại có tiếp. Thậm chí một ngày có thể bắt vài lượt như thế mà cũng không hết. Đăc biệt sau các trận mưa rào, cua còn bò lổm nhổm khắp các bờ mương và vào cả sân của những hộ dân sống xung quanh cánh đồng”, một người dân nói.

Trong mai cua có… đỉa!


Khi bóc mai cua phát hiện sán và đỉa con.

Cua nhiều nên mỗi ngày người dân có thể kiếm được 500.000đ/ngày một cách nhẹ nhàng. Có người còn gọi cả người thân từ các xã khác thậm chí là những người làm ăn xa tranh thủ về bắt cua kiếm tiền. “Mỗi một ngày tôi bắt được 6,7 kg. Công việc thì nhẹ nhàng mà lại có thu nhập nên tôi đã gọi điện cho chồng đang làm bốc vác ở ngoài Quảng Ninh về đi bắt cùng. Bình quân mỗi ngày 2 vợ chồng cũng kiếm được 600-700.000đ ”, chị Nguyễn Thị Nụ xã Giao Nhân cho biết.

Người dân chỉ lo về việc bắt cua con tiêu thụ thì không cần quan tâm, cứ khoảng 16h hằng ngày là hàng chục thương lái ở các vùng lân cận đổ xô về tại ruộng để thu mua. Chị Xuân một người chuyên mua cua cho biết: “Có hôm dân bắt được nhiều, mua được nửa tạ, mỗi kg cua loại to dao động từ 60-70 .000 đồng, cua nhỏ giá sẽ thấp hơn một chút. Số cua này sau khi thu mua chúng tôi mang đi các thành phố lớn để tiêu thụ”. Một số hộ dân sợ bị thương lái ép giá nên bắt gom để hai ba ngày sau đó đưa thẳng ra Hà Nội bán với giá từ 120.000đ – 150.000đ/kg.

Tuy mỗi ngày bắt được cả tạ cua nhưng người dân không ai dám ăn chỉ đưa đi bán. Lý giải vấn đề trên thì họ giải thích bởi một số người sau khi bắt cua về bóc mai quan sát kỹ thấy bên trong có đỉa và sán con nên không ai dám ăn nữa. “Hồi đầu khi mới bắt được cua chúng tôi ngày nào cũng ăn canh cua, nào luộc, nào rang, nào là xào nhưng dạo này không ăn nữa vì khi bóc cua ra thì phát hiện thấy bên trong mai cua có rất nhiều đỉa và sán con bằng que tăm bò lổm ngổm”, chị Nguyễn Thị M., một người dân nơi đây nói.

Để kiểm chứng thông tin, PV báo Đời Sống & Tiêu Dùng đã đến nhà chị Liên ở xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy - một người chuyên gom cua lên Hà Nội bán. Ngồi bên chậu lớn chứa hàng trăm con cua đồng khi bóc mai 10 con thì có từ 4 đến 5 con trong mai có chứa đỉa con, chiều dài từ 1 đến 1,2 cm bò lúc nhúc, khi đổ ra nền nhà thì sâu đo, giơ vòi bò lổm ngổm. Khảo sát cua ở các hộ dân bắt ngoài đồng về trong khu vực thì đều thấy hiện tượng trên.

Hàng tạ cua chứa đỉa phục vụ người tiêu dùng


Người dân bắt được cua chỉ bán chứ không dám ăn.

Dạo quanh một vòng các chợ trên địa bàn tỉnh Nam Định đâu đâu cũng thấy bán cua. Vì thời tiết đang trong đợt nắng nóng gay gắt nên các món chế biến từ cua được rất nhiều thực khách ưa chuộng. Chị Hằng chủ một nhà hàng ở thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) cho biết: “Năm nay, cua tự nhiên xuất hiện nhiều, lại to hơn nên giá chỉ bằng một nửa so với năm trước. Nhà hàng đã thu mua chế biến rất nhiều món khác nhau để phục vụ nhu cầu của thực khách”.

Vì cua xuất hiện sẵn trong địa phương nên thời gian rảnh rỗi, vắng khách chị lại cho nhân viên nghỉ làm đi dọc ra các bờ ruộng bắt cua vừa cho nhân viên nghỉ giải lao mặt khác lại đỡ khoản thu nhập đầu vào cho cửa hàng. Thời gian này đến huyện Giao Thủy (Nam Định) vào bất cứ quán cơm nhà hàng nào đều có món canh cua thơm ngon phục vụ cho “thượng đế”

Khi cua mới xuất hiện người dân địa phương đã chế biến rất nhiều món khoái khẩu để thưởng thức, nhưng từ khi xuất hiện tin đồn trong mai cua có đỉa giá cua tại địa bàn huyện Giao Thủy tụt giảm thê thảm từ 140.000đ/kg xuống 60.000đ/kg. Cua bắt được nhiều không ăn, không tiêu thụ được tại địa phương nên các hộ dân gom cua đưa lên TP Nam Định để bán. Một số thương lái thu mua cua với số lượng lớn đưa mối tại các nhà hàng ở tận Hà Nội. Từ đây “cua đỉa” đi về nhiều phương khác nhau trong cả nước.

Chị Nguyễn Thị Linh một thương lái thu gom cua từ Giao Thủy nhập cho nhà hàng ở Hà Nội cho biết: “Tôi đem cua cho một nhà hàng ăn ở Hà Nội, vì cua của tôi to, nhiều thịt tôi nhập lại rẻ hơn thị trường từ 1 đến 2 giá họ thích lắm, bảo có bao nhiều cũng mua hết”.

Báo Đời sống & Tiêu dùng tiếp tục thông tin về diễn biến bất thường trên.

Sỹ Thành

Từ khóa: