Tại Đại hội thi đua yêu nước năm 2020, những tấm gương điển hình cho hàng ngàn tấm gương trong các lực lượng xã hội, ngành nghề là nông dân… Thật xúc động khi nghe giới thiệu về những người nông dân trình độ văn hóa còn khiêm tốn nhưng đã làm nên chuyện phi thường. Họ tự mày mò, chế tạo nhiều công cụ sản xuất vô cùng tiện ích, hiệu quả, thay thế lao động thủ công, nâng cao năng xuất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp…
Những “ông chủ”, “đại gia”, “tỷ phú” mới trên mặt trận nông nghiệp lần lượt xuất hiện, không còn là những con số khiêm tốn nữa. Sau hơn 30 năm đổi mới, với tư duy mới, mang tính đột phá đã xây đắp nên mô hình hợp tác xã kiểu mới, nông thôn mới, thế hệ nông dân có tri thức áp dụng công nghệ hiện đại, thông minh… để thay đổi cuộc sống.
Giờ đây nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã có thương hiệu mang tầm quốc tế; lương thực, thực phẩm tỏa khắp thị trường trong và ngoài nước: gạo ST (Sóc Trăng) cá ba sa, tôm hùm, bánh tráng, hoa trái, măng cụt, xoài, nước giải khát, sữa TH True Milk, Vinamilk… đã có mặt trong siêu thị các nước phát triển thuộc châu Âu. Nếu dịch Covid-19 không xảy ra, nông dân còn có nhiều cơ hội khẳng định giá trị của mình.
Thành tựu kinh tế, xã hội của đất nước năm qua có sự đóng góp to lớn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã từng bước đi vào cuộc sống ngày càng sâu sắc.
Năm qua, năm của dịch bệnh và thiên tai làm cho kinh tế, xã hội đất nước gặp không ít khó khăn, bất ngờ. Trong đó, có lúc nhà nông cũng chao đảo, điêu đứng. Cụm từ “được mùa mất giá” mất mùa, mất trắng gia tài vì dịch bệnh, thiên tai… thành “chuyện thường ngày”.
Nhưng rồi, nhận thức được tri thức - khoa học kỹ thuật, công nghệ quyết định sự phát triển bền vững, dưới sự chỉ đạo, điều hành sáng suốt, quyết liệt của Chính phủ, góp sức của các Bộ, Ban, Ngành từ trung ương đến địa phương theo triết lý: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tình trạng trên đã được hóa giải. Sản phẩm nông nghiệp đã trở thành cứu cánh cho nền kinh tế đang chao đảo vì dịch bệnh, lũ bão, thiên tai. Nhờ thực lực của nền nông nghiệp (nhất là lương thực và thực phẩm) mà “thực túc binh cường”, kinh tế - xã hội nước nhà đã trụ vững trước cơn bão thời cuộc.
Tính đến ngày 20/12/2020, dịch Covid-19 lây nhiễm trên 76 triệu người, gần 1,7 triệu người chết. Dịch bệnh tàn phá nền kinh tế toàn cầu và thay đổi thế giới đến kinh ngạc. Khó khăn chồng chất khó khăn. Việt Nam còn phải chịu tác động kép: dịch bệnh và lũ chồng lũ, bão chồng bão; sạt lở liên tiếp xảy ra ở một số tỉnh miền Trung.
“Có thực mới vực được đạo”. Đất nước vượt qua được những đỉnh điểm khó khăn trong năm là nhờ có nền nông nghiệp khá vững chắc. Người nông dân đáng được tôn trọng, tôn vinh, quý trọng. Chân giá trị bộc lộ khi cái khó đã lên đến mức đỉnh điểm. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định an sinh xã hội trước tác động dữ dội của đại dịch và đại thiên tai. “Thực túc binh cường. Ngự binh ư nông”, kế sách ấy, nghệ thuật đánh giặc giữ nước ấy còn nguyên giá trị khi được vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong hòa bình.
Sự kiện khánh thành tượng đài Bác Hồ với Nông dân ở tỉnh Thái Bình gửi gắm rất nhiều điều có giá trị cho hậu thế: lịch sử, kinh tế, chính trị và văn hóa. Ôn lại lời Bác Hồ dạy trên quê hương của vựa lúa 5 tấn, “tiếng trống năm ba mươi còn lay động đến bây giờ” của thời Đảng mới ra đời.
Quê hương của lời hứa “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu mước.
Hiện nay, hơn nửa dân số Việt Nam là nông dân. Lớp nông dân thời đại mới cần thay đổi tư duy về vai trò vị trí kinh tế, chính trị xã hội của mình; thay đổi tư duy sản xuất, học hỏi, trau dồi tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ, tư liệu sản xuất hiện đại để nâng cao năng xuất, hiệu quả lao động sản xuất tạo thu nhập bền vững.
Cả nước hiện có 26.110 hợp tác xã, trong đó có 1.700 hợp tác xã kiểu mới, sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại - phun thuốc trừ sâu cho lúa bằng máy bay; gieo, trồng, chăm bón và thu hoạch khép kín bằng máy móc hiện đại, văn minh. Củng cố quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất đã mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm từ nông nghiệp.
Đất nước đã vươn lên mạnh mẽ trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Nông dân vẫn là đối tượng phải chịu tổn thương nhiều hơn bởi những tác động của thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Đồng bằng sông Cửu Long, là vựa lúa nhưng hơn 10 năm qua, 1,3 triệu người đã dời quê hương để tìm sinh kế mới. Những bất cập về chất lượng đất, nước, môi trường, nhân khẩu học, công nghệ… đang tạo sức ép phải hình thành mô hình tư duy phát triển mới.
Sau các vụ sạt lở liên tiếp ở miền Trung thì “sống chung với lũ, sạt lở” đã là tất yếu phải chấp nhận và khắc phục. Tốc độ đô thị hóa thu hẹp đất sản xuất; nguồn tài nguyên nước bị uy hiếp vì khai thác; ô nhiễm sông ngòi, rừng bị tàn phá, quy hoạch thủy điện và triển khai sai quy hoạch gây hệ lụy khôn lường, môi trường sống ô nhiễm… tác động tức thì đến nông dân và nông thôn. Nhiều vấn đề tồn đọng an ninh, trật tự an toàn xã hội đều liên quan đến nông dân: tín dụng đen, cờ bạc, lừa đảo, bạo lực gia đình, buôn lậu, án mạng, bỏ học vì nghèo khó... Nông dân bỏ quê ra thành phố, thiếu nhân lực lao động vẫn là bài toán chưa có lời giải hợp lý.
Nhà nông 4.0 là từ khóa quen thuộc khi nói về nông dân hôm nay. Tự hào lắm chứ khi nông nghiệp đã góp 1/2 kết quả cho mục tiêu kinh tế năm 2020. Nông dân đã hun đúc tinh thần, khát vọng vì một Việt Nam hùng cường trong tương lai không xa.
Người Nhật Bản có câu: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” và họ thường giao đãi với nhau và bạn bè quốc tế bằng hình ảnh vô cùng khiêm tốn - bông lúa chín. Khiêm tốn là đẳng cấp của phẩm giá là thế.
Có thể người Nông dân sẽ thay thế câu nói quen thuộc: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” bằng triết lý mới: “Tri thức và công nghệ là đầu cơ nghiệp”.
Năm 2020, hình ảnh, tấm gương, nghị lực và những đóng góp không nhỏ của nông dân đáng được ghi nhớ. Chúng ta biết ơn người nông dân, nhờ có họ đất nước đã vượt qua được năm Kỷ Hợi thật chẳng dễ dàng chút nào!
Hình ảnh con trâu hiền lành, chịu khó tần tảo sớm hôm, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” gợi nhắc những khó khăn vất vả một thời để chúng ta có một Việt Nam hôm nay: “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Để “Hôm nay bưng bát cơm đầy. Ơn người trồng lúa bấy nhiêu ân tình” như lời của người đứng đầu Chính phủ đã chia sẻ trước thềm năm mới với bà con Nông dân!
Văn Hùng
Theo KTDU