Sự kiện hot
11 năm trước

Nạn buôn lậu xăng dầu trên biển

Giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, giá xăng dầu các nước láng giềng cũng điều chỉnh tăng cao trong khi đó giá xăng dầu Việt Nam dù đã có tăng giá nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Đây tiếp tục là nguyên nhân của tình trạng xuất lậu xăng dầu ở khu vực biên giới, đặc biệt là vấn nạn buôn lậu xăng dầu trên biển.

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng chức năng triệt phá nhiều vụ buôn lậu xăng, dầu, điển hình là việc phối hợp với Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) triệt phá đường dây buôn lậu xăng dầu của Nguyễn Trường Sơn (được biết đến với biệt danh Sơn “sắt”) - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn, trụ sở tại số 9 Triệu Quốc Đạt, TP. Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: “Trước khi phối hợp với Tổng cục An ninh II triệt phá đường dây buôn lậu xăng dầu ở khu vực biển miền Trung, giáp ranh giữa Thanh Hóa, Nghệ An (vụ buôn lậu do Nguyễn Trường Sơn tổ chức vào cuối năm 2013- Pv), Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu phá một đường dây buôn lậu xăng dầu trên biển có quy mô lớn thông qua loại hình tạm nhập tái xuất (vụ buôn lậu 2.000 tấn xăng dầu trên vùng biển giáp ranh Nam Định, Thanh Hóa vào tháng 7-2012, cũng liên quan đến Công ty TNHH Hoàng Sơn - Pv), lực lượng Hải quan bắt giữ 29 đối tượng (bao gồm cả người nước ngoài), với 5 tàu (có 1 tàu mang quốc tịch nước ngoài). Tổng cục Hải quan đã khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ, đối tượng vi phạm và tang vật cho cơ quan chức năng tiến hành các bước xử lí tiếp theo. Tiếp đó, Tổng cục Hải quan tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ, ngay từ đầu với Tổng cục An ninh II để tiến hành phá vụ án liên quan đến buôn lậu xăng dầu trên vùng biên miền Trung tiếp giáp giữa Thanh Hóa và Nghệ An.

Chuyên án này do Tổng cục An ninh II chủ trì, Tổng cục Hải quan phối hợp như cử trinh sát (hải quan) tham gia từ đầu; tổ chức bắt giữ và tiến hành các bước xử lí về sau. Trong chuyên án này, các lực lượng tham gia phá án phải tuyệt đối giữ bí mật đảm bảo yếu tố bất ngờ để thực hiện thành công chuyên án. Khi lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ vào lúc 3 giờ sáng, Tổng cục Hải quan và Tổng cục An ninh II, cá nhân tôi và Trung tướng Trình Văn Thống, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II trực tiếp chỉ huy cả trên biển và trên bộ để bắt giữ tang vật, các đối tượng vi phạm.”


Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Phó Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh: “Yếu tố quan trọng nữa là quá trình tuần tra, kiểm soát, bắt giữ đòi hỏi các lực lượng phải tăng cường phối hợp, ngoài yếu tố bí mật, bất ngờ đòi hỏi lực lượng trực tiếp bắt giữ phải xác định ngay được các hồ sơ, chứng từ (nếu có) kèm theo lô hàng có hợp pháp hay không, tránh tình trạng quay vòng hóa đơn, hợp đồng… Quá trình phối hợp giữa Tổng cục Hải quan và Tổng cục An ninh II vừa qua được phối hợp thực hiện rất hiệu quả các nội dung trên.”

Có thể thấy, liên tiếp các vụ buôn lậu xăng dầu lớn được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ vừa qua cho thấy một số sơ hở về mặt cơ chế, chính sách của mặt hàng này, vẫn còn có những bất cập để đối tượng lợi dụng.

Theo quy định hiện nay, có những loại hàng hóa, phương tiện, hồ sơ khi các lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện vận chuyển chưa có hóa đơn chứng từ, thì lực lượng chức năng còn phải đi xác minh trong thời gian 72 giờ, quy định này dễ tạo kẽ hở vì đối tượng có đủ thời gian để hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ cho hàng lậu. Thậm chí, chỉ vài tiếng đối tượng cũng có thể hợp thức hóa các thủ tục giấy tờ.

Hiện nay, liên bộ: Tài chính, Công an, Công Thương đang đề nghị cả Bộ Quốc phòng tham gia sửa đổi Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA về hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

Trong dự thảo sửa đổi Thông tư 60, Ban soạn thảo đưa ra quy định tất cả hồ sơ, chứng từ kèm theo từng lô hàng, chuyến hàng lưu thông trên đường từ cửa khẩu nhập đến nội địa, cũng như bày bán ở cửa hàng, kho bãi phải xuất trình được hồ sơ nhập khẩu hợp pháp, hóa đơn chứng từ và các giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật tại thời điểm cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, nếu không xuất trình được xem như hàng hóa đó là hàng lậu và xử lí theo quy định của pháp luật.

Nhận định về Thông tư này, ông Nguyễn Văn Cẩn đánh giá: “Quy định trên giúp khắc phục được sơ hở trong quá trình lực lượng chức năng đi xác minh hóa đơn, chứng từ, các đối tượng có đủ thời gian để tạo hóa đơn, chứng từ nhằm hợp thức hóa cho lô hàng. Nếu quy định mới này được ban hành sẽ hạn chế tối đa tình trạng vi phạm như thời gian vừa qua.”

Thanh Thúy

Từ khóa: